Tài Chính

Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại tiếp tục lên ngôi?

Song Luân Thứ Ba | 01/03/2022 10:30

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Dòng tiền trên thị trường vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội và chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường.
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Bất chấp việc chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn điều chỉnh trong phiên đầu tuần khi mà triển vọng hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine chưa thực sự rõ ràng. 

 

Kết thúc phiên giao dịch 28/2, chỉ số VN-Index giảm 8,76 điểm xuống mốc 1.490,13 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về tiêu cực với 202 mã tăng và 252 mã giảm. 

Ở phiên giao dịch này, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực điều chỉnh khi có tới 21/30 mã thuộc VN30 kết phiên trong sắc đỏ, trong đó tác động tiêu cực nhất đến thị trường là “hai anh em họ Vin” gồm VHM và VIC. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực điều chỉnh khi phần lớn các cổ phiếu trong nhóm này đều đóng cửa giảm điểm. Dòng tiền trên thị trường cũng có sự phân hóa mạnh mẽ khi nhiều nhóm ngành lội ngược dòng so với diễn biến thị trường chung. Trong đó, có các nhóm ngành như thép, phân bón, và dầu khí khi giá dầu tiếp tục tăng.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán giao dịch khá cầm chừng trong phiên 28/2 với thanh khoản suy giảm và chỉ xấp xỉ mức trung bình 20 phiên khi mà một bộ phận nhà đầu tư có lẽ vẫn đang "nghe ngóng" tình hình đàm phán giữa Nga và Ukraine. 

Xét trên góc độ kỹ thuật, SHS cho biết chỉ số VN-Index kết phiên 28/2 trong vùng hỗ trợ 1.485-1.495 điểm (MA20-50) cũng củng cố thêm cho nhận định trên. Theo SHS, diễn biến trong phiên giao dịch 1/3 có thể bị ảnh hưởng khá nhiều bởi kết quả đàm phán Nga – Ukraine.

 

“Trong kịch bản tích cực, đàm phán diễn ra thuận lợi, VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng giá hiện tại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, nếu đàm phán thất bại và leo thang căng thẳng, VN-Index có thể sẽ cần lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Trong bất kỳ kịch bản nào, khả năng thị trường nhảy gap trong phiên tới là hoàn toàn có thể diễn ra. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường”, SHS nhận định. Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá thị trường tuy điều chỉnh nhưng vẫn nằm trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay với vùng dao động từ 1.471 điểm đến 1.500 điểm. 

Theo MBS, nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội bất chấp ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa và năng lượng như dầu khí, phân bón, thép, thủy sản, dệt may,…vẫn thu hút được dòng tiền vào. Vì vậy, MBS cho rằng, việc tham chiếu vào chỉ số lúc này có thể bị nhiễu. Với diễn biến như vậy, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ và các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa. Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng trong môi trường thị trường còn nhiều biến động như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm 

Hàng loạt cổ phiếu than tăng trần


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày