Tài Chính

Quy mô giao dịch của khối ngoại tiếp tục tăng mạnh

Việt Hà Thứ Tư | 09/03/2022 21:08

Ảnh minh họa: TL.

Thời điểm cuối tháng 2/2022 giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 7% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Ảnh minh họa: TL.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2022, chỉ số VN-Index đạt hơn 1.490 điểm, tăng nhẹ hơn 0,7% so với tháng trước. Thông tin được công bố trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 2 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 23.206 tỉ đồng và 705,93 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 15,83% về giá trị và 19,28% về khối lượng bình quân so với tháng 1.

Đáng chú ý trong tháng này, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng ở thị trường Việt Nam. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 2/2022 đạt trên 52.255 tỉ đồng, chiếm 7,04% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị trên 520,69 tỉ đồng.

 

Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng thời gian khá dài. Khối ngoại đẩy mạnh rút ròng trong năm 2021 với tổng giá trị hơn 60.000 tỉ đồng, nối tiếp xu hướng bán ròng từ năm 2020 đến nay khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Lý giải điều này, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, xu hướng rút ròng ở hàng loạt các thị trường cận biên, mới nổi và chảy vào các thị trường phát triển do nền kinh tế suy yếu dưới tác động của COVID, kết hợp việc FED đẩy nhanh quá trình bình thường hoá chính sách tiền tệ. 

 

Cùng với đó là áp lực chốt lời gia tăng khi VN-Index tăng mạnh từ đáy đầu quý II/2020; cơ cấu vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam tập trung mạnh các ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp trong khi thiếu vắng các ngành thu hút mạnh dòng vốn toàn cầu trong 2 năm qua là công nghệ, dược phẩm. 

KBSV cho rằng khó có khả năng khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong năm 2022 khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì, đặc biệt trong bối cảnh các nước phát triển đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ dưới áp lực lạm phát (Việt Nam dù đang có lạm phát tương đối thấp và đồng nội tệ tương đối mạnh vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng). Tuy nhiên, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tác động đáng kể đến diễn biến thị trường, trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước (giá trị giao dịch của khối ngoại đang ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giao dịch toàn thị trường, giảm từ mức 20% trước 2020 xuống quanh 5-7% hiện tại). 

Theo KBSV, các yếu tố có thể thúc đẩy khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường bao gồm thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn, quá trình thoái vốn cổ phần hoá sôi động trở lại, mở room ngoại hay cơ hội nâng hạng thị trường trở nên rõ nét hơn. 

Trong khi đó, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research cho hay họ tiếp tục duy trì quan điểm về việc kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỉ giá. 

Có thể bạn quan tâm 

Quy mô giao dịch của khối ngoại tăng trở lại


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày