Tài Chính

Thoái vốn Nhà nước tại SCIC: Cơ sở nào cho mức giá cao ngất?

Vũ Hoài Thứ Sáu | 27/09/2019 14:27

Nguồn: VnDirect

Trong thời gian trở lại đây, SCIC liên tục thoái vốn ở các công ty con với mức giá cao hơn nhiều so với thị giá...
Nguồn: VnDirect

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Trong thời gian gần đây, SCIC liên tục thông báo thoái vốn ở các công ty con. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm cho mỗi thương vụ đấu giá đều cao hơn nhiều so với thị giá mỗi cổ phần của công ty con. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, cơ sở nào để SCIC đưa ra những mức giá đó?

Kế hoạch thoái vốn Nhà nước ở Xi măng Tiên Sơn Hà Tây

Mới đây, ngày 25/09, SCIC vừa có thông báo bán trọn lô 850.700 cổ phần tại CTCP Xi măng Tiên Sơn Hà Tây (TSM) tương đương với tỷ lệ 28,97% theo hình thức đấu giá công khai.

Giá khởi điểm để đấu giá là 11.260 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, SCIC dự kiến thu về hơn 9,5 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào 14h30 ngày 15/10/2019.

Đáng chú ý, kể từ tháng 06/2015, cổ phiếu TSM đã bị hủy niêm yết. Giá đóng cửa tại ngày 11/06/2015 chỉ là 2.500 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, tháng 05/2015, Sở GDCK Hà Nội đã thông báo hủy niêm yết cổ phiếu TSM với lý do công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, từ 2012-2014, mức lỗ lần lượt là 7,68 tỷ đồng (2012); 4,58 tỷ đồng (2013) và 7,66 tỷ đồng (2014). Theo đó, hơn 2,9 triệu cổ phiếu TSM chính thức bị hủy niêm yết vào ngày 12/06/2015.

Được biết, Xi măng Tiên Sơn Hà Tây hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng công trình công nghiệp dân dụng,...

Ngoài SCIC, Xi măng Tiên Sơn Hà Tây còn có 2 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Hoàng Thị Hiền, nắm giữ 19,12% tổng vốn cổ phần và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thế Nhậm nắm giữ 5,16% vốn cổ phần.

Như vậy, mức giá đấu mà SCIC đưa ra đối với TSM gấp gần 4 lần so với mức giá tại thời điểm bị hủy niêm yết.

Những thương vụ thoái vốn nổi bật của SCIC trong thời gian gần đây

Tính từ tháng 07/2019, SCIC đã có kế hoạch thoái vốn Nhà nước ở nhiều công ty con.

Gần nhất, ngày 16/09, SCIC thông báo thoái vốn toàn bộ tại Dược Lâm Đồng (LDP) với hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDP được đem ra đấu giá. Mức giá khởi điểm cho lô cổ phiếu này là 28.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 21% so với mức giá tại thời điểm thông báo thoái vốn. Thông tin thêm, trên sàn HNX, cổ phiếu LDP đang thuộc diện bị cảnh báo.

Diễn biến giá cổ phiếu LDP 1 năm trở lại đây. Nguồn: VnDirect
Diễn biến giá cổ phiếu LDP 1 năm trở lại đây. Nguồn: VnDirect

Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm 2019, LDP ghi nhận hơn 181 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, LDP báo lỗ hơn 6,8 tỷ đồng, con số này cũng suýt soát cùng kỳ năm trước với khoản lỗ hơn 6,2 tỷ đồng.

Tháng 08/2019, SCIC thông báo đấu giá trọn lô hơn 12 triệu cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Domesco, HOSE: DMC) với mức giá khởi điểm gần gấp đôi mức giá tại thời điểm công bố thông tin thoái vốn. Cụ thể, theo kế hoạch, 30/08/2019 Sở GDCK TP.HCM sẽ tổ chức phiên đấu giá trọn lô hơn 12 triệu cổ phần DMC, tương ứng 34,71% vốn điều lệ với giá khởi điểm để đấu giá 119.600 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu DMC trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: VnDirect
Diễn biến giá cổ phiếu DMC trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: VnDirect

Tuy nhiên, thương vụ này không đủ điều kiện tổ chức do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu thầu. Mặc dù DMC kinh doanh khá ấn tượng trong những năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của DMC đạt 675 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 108 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2018.

Trước đó, tháng 07/2019, SCIC cũng có kế hoạch đấu giá trọn lô hơn 44 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC), tương đương với 36,3% vốn điều lệ.

Diễn biến giá cổ phiếu VOC trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: VnDirect
Diễn biến giá cổ phiếu VOC trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: VnDirect

Với mức giá khởi điểm 22.300 đồng/cp, cao hơn 34% giá cổ phiếu VOC trên thị trường tại thời điểm thông báo (26/07/2019) thoái vốn. Về mặt hoạt động kinh doanh, nửa đầu năm 2019, doanh thu VOC giảm 39%, ghi nhận 1.320 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 105 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thương vụ này đã không được diễn ra do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá.

Như vậy, đâu là cơ sở để SCIC đưa ra mức giá đấu cao hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu trong mỗi thương vụ thoái vốn? 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày