Thế giới

Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Đừng đợi quả bom phát nổ!

Thứ Ba | 17/06/2014 17:04

Nếu không tái cấu trúc, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém sẽ trở thành nguyên nhân kéo tụt cả châu lục trong một thế kỉ lẽ ra phải thuộc châu Á.
Ngày nay, bức tranh doanh nghiệp châu Á đã có nhiều đổi khác. 65 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất châu Á đã đánh mất hàng nghìn tỉ USD giá trị kể từ sau khi chạm đỉnh vào năm 2007. Cổ phần nhà nước nắm giữ cũng giảm xuống còn 40%. Hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) của doanh nghiệp nhà nước lớn chỉ bằng một nửa so với các công ty tư nhân.

Có ba vấn đề lớn được đặt ra đối với các doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Thứ nhất, mối quan hệ thân thiết với nhà nước luôn đi kèm quyền lợi và nghĩa vụ. Có thể thấy rõ điều này ở các Ngân hàng nhà nước. Nhờ có định hướng của chính phủ về nới lỏng cho vay trong giai đoạn 2008-2011, các ngân hàng Trung Quốc nhận rất nhiều hồ sơ xin vay vốn xấu. Tại Ấn Độ, số lượng hồ sơ xin vay vốn đã tăng hơn 1/10 và ngân hàng nhà nước phải chịu áp lực từ sức ép chính trị cần phải “mở rộng và dự trù” cho các công ty “thân” nhà nước vay vốn.

Thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước tại châu Á phải chịu nhiều thiệt hại do tình trạng tham nhũng và thiếu năng lực lãnh đạo. Trong tháng 4 vừa qua, Song Lin - ông chủ của China Resources – một doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã bị điều tra vì hành vi tham nhũng. Coal India tại Ấn Độ cũng bị phát hiện đầu tư trang thiết bị kém chất lượng và lượng khai thác quá ít, từ đó gây ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại các nhà máy năng lượng Ấn Độ.

Trong giai đoạn phát triển bùng nổ tại Việt nam (2005-2010), một số doanh nghiệp nhà nước đã vay mượn quá nhiều nhưng lại dùng để đầu tư ra ngoài ngành mà không có lí do chính đáng. Đó là trường hợp của Vinashin, nơi tổng nợ lũy kế của tập đoàn đóng tàu đã lên đến khoảng 4 tỉ USD, qua đó châm ngòi cho cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, đang phải đối mặt với một thị trường rất năng động nhưng lại không đủ linh hoạt để thích ứng.

Nguy cơ này trở nên ngày càng rõ ràng trong các ngành ngân hàng và viễn thông. Khi mà các công ty tư nhân không hề ngần ngại để cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước. NTT DoCoMo, một công ty điện thoại di động thuộc sở hữu nhà nước tại Nhật Bản, đã gặp nhiều khó khăn để bắt kịp các đối thủ cạnh tranh tư nhân khôn khéo hơn.

Alibaba của Trung quốc hiện đang giới thiệu Yue Bao, một sản phẩm đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định (các sản phẩm có cuống lãi suất cố định, thường là trái phiếu) và các khoản tín dụng dài hạn, đem đến cho khách hàng doanh thu cao hơn so với các tài khoản ngân hàng thông thường. Các doanh nghiệp điện tử khác cũng đang quan tâm đến mô hình này. Còn các ngân hàng quốc doanh thì đang mất dần khách hàng và có thể phải chấp nhận mức lãi suất tiền gửi cao hơn.

Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất đang tiến hành tái cấu trúc một cách nhanh chóng, nhưng có thể sẽ không trông chờ vào những hành động cụ thể của chính phủ. Các doanh nghiệp nhà nước được định giá lớn nhất hiện đang sử dụng 1/4 - 1/2 triệu nhân công và mắc kẹt trong mạng lưới trợ cấp. Tuy nhiên, nếu không được tái cơ cấu, các doanh nghiệp nhà nước có thể trở thành những quả bom tài chính, với thu nhập trì trệ và chi phí cố định lớn, hai nguyên nhân đó có thể dẫn đến những mất mát rất lớn về sau.

Trung Quốc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 và dự kiến sẽ còn tiếp tục.

Hồi tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo các doanh nghiệp này nhận định, sức mạnh thị trường sẽ đóng một vài trò quyết định trong nền kinh tế. Nền tài chính tự do hóa và tỉ lệ lãi suất biến động phù hợp hơn với cung-cầu thị trường sẽ gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp nhà nước.

Với biên độ cho vay mỏng hơn, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước sẽ giảm cung tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp nhà nước. Một vài trong số đó đã tuyên bố tái cấu trúc, điều này sẽ làm nâng cao vai trò của các nhà đầu tư khác đến từ bên ngoài.

Hãng năng lượng Sinopec cho biết sẽ chào mời các nhà đầu tư ngoài nhà nước rót vốn cho việc mở rộng các trạm xăng của hãng này.

CITIC ban đầu là một tập đoàn tài chính, đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khai thác mỏ và bất động sản. Đây là một trong những công ty đại lục đầu tiên hoạt động tại Hong Kong vào năm 1990. Chi nhánh tại Hong Kong từng trải qua khoảng thời gian hết sức khó khăn với thua lỗ, tuy nhiên hiện nay đặt dưới sự quản lý mới, chi nhánh này đã dần đi vào ổn định.

CITIC đang lên kế hoạch chuyển tất cả tài sản ở đại lục (với trị giá lên tới 36 tỉ USD) sang chi nhánh ở Hong Kong, với mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động dưới sự giám sát của các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, chính phủ đang nỗ lực thanh lọc các doanh nghiệp nhà nước bằng cách bán những tài sản không phục vụ cho năng lực cốt lõi, cùng với kế hoạch cắt giảm 75% số doanh nghiệp nhà nước cho đến năm 2020. Quyết định này sẽ dẫn đến xu hướng tăng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Ấn Độ, phần lớn các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng họ muốn giải thể Coal India để kích thích cạnh tranh trên thị trường. Yêu cầu để tái cơ cấu vốn các ngân hàng nhà nước cũng có thể châm ngòi cho một cuộc tranh luận mới về việc củng cố các doanh nghiệp có nhiệm vụ cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc chính phủ từ bỏ quyền kiểm soát với các doanh nghiệp nhà nước vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chuyện có khả thi hay không thì còn tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Những ngành theo đuổi chiến lược bán độc quyền trong nước như truyền tải điện, chắc chắn sẽ còn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.

Những ngành dịch vụ và nhiều cạnh tranh có thể đi theo mô hình của Singapore. Tập đoàn nhà nước Temasek có cổ phần trong nhiều công ty (như SingTel, DBS, Singapore Airlines và Neptune Orient Lines) nhưng không hề can thiệp vào quản lý doanh nghiệp và vẫn được đánh giá là hoạt động hiệu quả.

Điều hành các doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả tại quốc gia nhỏ như Singapore là một chuyện, còn việc thực hiện điều đó ở các nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc và Ấn độ lại là một vấn đề khác. Đặc biệt, khi mà chính phủ sẽ có lợi ích vô cùng lớn khi tham gia.

Nguồn GAFIN/Theo DVO/The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày