Thế giới

Đạo luật về Hồng Kông ảnh hưởng đến rổ tiền tệ châu Á

Quỳnh Vũ Thứ Hai | 09/12/2019 07:00

Ảnh: scmp.com

Trước bối cảnh tình hình chính trị Hồng Kông trở nên bất ổn, rổ tiền tệ châu Á đã có những phản ứng nhất định.
Ảnh: scmp.com

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài hơn 15 tháng, không chỉ dẫn đến nhiều hệ lụy kinh tế - chính trị mà với sự bùng nổ bạo lực tại Hồng Kông, tình hình càng trở nên phức tạp. Trong đó có 3 đồng tiền mạnh quốc tế gồm đồng USD, nhân dân tệ và yen Nhật cũng bị ảnh hưởng.

Câu chuyện Hồng Kông là gợi ý về mối quan hệ phức tạp của các siêu cường. Ngày 27.11.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn “Đạo luật năm 2019 về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông”, được thông qua bởi Quốc hội Mỹ bất chấp việc Mỹ - Trung đã tiến rất gần tới việc ký kết thỏa thuận thương mại tạm thời.

“Đạo luật được ban hành với hy vọng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc đại lục và Đặc khu Hồng Kông có thể giải quyết một cách thân thiện sự khác biệt của họ, mang đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người”, thông cáo báo chí của Nhà Trắng viết.

Thực tế, đạo luật trên được viện dẫn để quyết định một vấn đề rất quan trọng của Hồng Kông, trạng thái đặc biệt của Đặc khu. Theo đó, Mỹ sẽ tiến hành đánh giá hằng năm về việc liệu Hồng Kông có đủ tự chủ để tiếp tục hưởng các ưu đãi thương mại và kinh tế từ trạng thái đặc biệt được quy định trong Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông năm 1992 hay không.

“Điều này có ý nghĩa nền tảng”, Phó Giáo sư Alfred Wu từ Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét khi đề cập tới trạng thái đặc biệt của Hồng Kông. Nếu Hồng Kông không duy trì được trạng thái đặc biệt, đặc khu này có thể phải đối diện trực tiếp với cuộc chiến về thuế đang sôi sục giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi đó, Hồng Kông là một trong số ít địa điểm mà đồng nhân dân tệ có thể được giao dịch bên ngoài Trung Quốc đại lục, tạo điều kiện để quốc tế hóa đồng tiền này. Đây cũng trở thành cửa ngõ cho các nhà đầu tư nước ngoài đến mua tài sản tài chính của Trung Quốc thông qua các chương trình liên kết trái phiếu và cổ phiếu.

Những yếu tố trên khiến rổ tiền tệ của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật đã có những phản ứng tương ứng. Trên thị trường ngoại hối, nhân dân tệ đã có lúc giảm đến 0,2% so với USD, ngay sau khi đạo luật được thông qua, giá đồng tiền này neo tại 7,029 nhân dân tệ đổi 1USD, trước khi phục hồi phần nào lên 7,026 nhân dân tệ đổi 1USD. Tính từ đầu năm, giá nhân dân tệ trên thị trường quốc tế đã mất 2,2% so với USD. Điều này khá dễ hiểu khi Hồng Kông được xem là cửa ngõ quan trọng để các tập đoàn Trung Quốc giao thương với quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.300 công ty Mỹ hiện hoạt động ở Hồng Kông, hưởng lợi nhờ vị trí nằm sát Trung Quốc đại lục cũng như hệ thống tư pháp độc lập của đặc khu này. Mỹ là đối tác lớn thứ 2 của Hồng Kông về tổng thương mại, theo số liệu từ chính quyền Hồng Kông. Washington đã xuất khẩu 50 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang đặc khu này vào năm 2018, theo số liệu của Mỹ.

Ngay sau khi Đạo luật có hiệu lực, tỉ giá USD/JPY trên thị trường quốc tế giảm xuống 109,34 từ đỉnh 109,61 tại thị trường qua đêm ở New York, theo số liệu ngày 27.11. Về thị trường phái sinh, điểm kháng cự giữ vững ở mốc 109,50 dù nhiều hợp đồng được chào mời ở dưới mức giá này, ám chỉ cặp tiền tệ USD/JPY có thể giảm hơn nữa.

Việc đồng USD mạnh dần lên, hoặc nói cách khác đồng yen yếu đi, chỉ lên mối quan hệ giao thương phức tạp của Mỹ, Trung Quốc và Nhật. Trong thực tế, không chỉ có thâm hụt khủng với Trung Quốc, mà Nhật cũng là đối tác khiến Mỹ có thâm hụt thương mại lớn. Trong thương mại hàng hóa, thâm hụt của Mỹ với Nhật đã là 61 tỉ USD trong năm 2018.

“Phần lớn những gì diễn ra trên thị trường ngoại hối sẽ phụ thuộc vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tình trạng bạo động tại Hồng Kông dường như ít ảnh hưởng đến cặp tiền tệ USD/JPY đến giờ phút này”, theo báo cáo phân tích chuyên môn của Refinitive IFR Research.

Việc đồng yen giảm so với USD khi kinh tế Trung Quốc đối diện với nhiều khó khăn là điều khá thú vị, dù 2 quốc gia này từng có thời gian so kè để vươn lên vị thế kinh tế lớn thứ 2 thế giới, một chuyên gia tài chính giấu tên bình luận.

Mới đây, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp Quốc tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký thỏa thuận thương mại “một phần”, với quy mô thương mại khoảng 55 tỉ USD. Theo đó, Nhật sẽ cắt giảm hoặc bãi bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm nông nghiệp Mỹ trị giá 7,2 tỉ USD, bao gồm cả thịt bò và thịt heo, đi kèm với một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số trị giá 40 tỉ USD cũng được bảo đảm bởi chính quyền Trump.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày