Thế giới

Giá trị thị trường của các công ty châu Âu giảm mạnh vì Nga

Thứ Hai | 15/09/2014 16:28

Không chỉ có doanh nghiệp của Nga mới phải chịu tác động nặng nề của căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán. Không chỉ những công ty đến từ Nga hay Ukraine mới phải chịu tác động, mà giá trị thị trường của hàng loạt công ty lớn tại châu Âu như Renault, Carlsberg, Rémy Cointreau hay CGG cũng đều suy giảm mạnh.
gafin

Sự suy giảm trên thị trường chứng khoán là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng giảm giá cổ phiếu, theo đó khiến cho giá trị thị trường của các công ty sụt giảm theo.

Trong một lưu ý gửi khách hàng, nhà chiến lược tại UBS giải thích: "Hiện tồn tại nhiều nguyên nhân giải thích cho những lo lắng (trên thị trường tài chính), từ căng thẳng địa chính trị, đến xung đột với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay virus Ebola, nhưng tình hình Ukraine diễn ra gần châu Âu hơn và vì vậy, gây ra tác động mạnh nhất đến giá cổ phiếu tại châu Âu".

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Nga còn khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh. Chỉ số CAC 40 đã giảm 0,22% trong cùng ngày, đánh dấu phiên giảm điểm thứ năm liên tiếp. Liên minh châu Âu tiếp tục thắt chặt lệnh trừng phạt và ít giờ sau đó, đến lượt mỹ tuyên bố các mục tiêu trừng phạt sắp tới đối với Nga bao gồm các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng.

Về phần mình, Nga đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả lại các lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu, chẳng hạn như lệnh hạn chế nhập khẩu một số loại xe hơi và quần áo.

Fabien Laurenceau, nhà chiến lược tại Aurel BGC nhận định: "Kể từ nhiều tháng nay, giá trị của các công ty có hoạt động sản xuất chính liên quan đến Nga đã chịu tác động mạnh từ các tin tức mới. Và nếu xung đột quay trở lại thì giá trị thị trường của các công ty còn giảm hơn nữa".

Đặc biệt, đồng ruble Nga đã giảm giá mạnh nhất trong lịch sử đối với đô-la Mỹ trong ngày các biện pháp của Liên minh châu Âu bắt đầu được thi hành. Nhiều tập đoàn đã nhận được những câu hỏi xung quanh vấn đề Nga sau khi công bố báo cáo tài chính quý. Chẳng hạn như Tarkett, một công ty chuyên cung cấp và thi công lắp đặt hệ thống sàn, đã sụt giảm 5,4% doanh số bán hàng trong nửa đầu năm 2014. Tập đoàn Tarkett đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm ngoái và chứng kiến giá trị thị trường giảm 25% kể từ cuối tháng 2 đến nay.

Bên cạnh đó, Carlos Ghosn - ông chủ của hãng xe hơi nổi tiếng Renault, nhà sản xuất xe hơi của nước ngoài đầu tiên ở Nga cảnh báo những tác động "đáng kể" nếu tình hình tại Nga tiếp tục xấu đi. Vào mùa hè vừa qua, thị trường xe hơi tại Nga đã suy thoái mạnh.

Đứng trên phương diện các ngành của nền kinh tế, tác động mạnh nhất của căng thẳng địa chính trị và các biện pháp trừng phạt rõ ràng liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Nga với các đối tác tại các nước còn lại tại châu Âu. Tuy nhiên, "đánh giá những tác động theo các ngành kinh tế không thật chính xác, bởi mỗi doanh nghiệp có một cách mở rộng kinh doanh quốc tế riêng của họ", Fabien Laurenceau nhận định.

Nhiều trung tâm nghiên cứu đã công bố danh sách các công ty tại Nga chịu sự sụt giảm giá trị thị trường nặng nề nhất. Trong danh sách trên gồm có: ngân hàng Raiffensen (với 73% lợi nhuận được tạo ra ở Nga, theo Société Générale), Immofinanz (59%) hay Carlsberg (32%) và Coca-Cola Hellenic (28%). Bên cạnh đó, cũng có những công ty khác đến từ châu Âu như CGG (15%), Renault (10%), Rémy Cointreau (8%) và Alstom (7%).

Nguồn Theo DVO/ Les Échos


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày