Thế giới

Giao dịch bất động sản thương mại chững bước tại APAC

Nguyên Hồ Thứ Năm | 14/12/2023 17:00

Khối lượng đầu tư BĐS thương mại của Singapore giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2 tỉ USD trong quý III/2023. Ảnh: Norman Goh.

Trong khi đó, Ấn Độ đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ở phân khúc BĐS văn phòng, cơ sở sản xuất và các dự án cơ sở hạ tầng.
Khối lượng đầu tư BĐS thương mại của Singapore giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 2 tỉ USD trong quý III/2023. Ảnh: Norman Goh.

Từ Singapore đến Hàn Quốc, các nhà đầu tư đang tránh xa các giao dịch bất động sản thương mại, từ văn phòng đến trung tâm thương mại,... vì lo ngại lãi suất tăng và bất ổn địa chính trị có thể đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Báo cáo tháng 11 của công ty quản lý đầu tư và bất động sản thương mại JLL cho thấy, hoạt động đầu tư bất động sản thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, mức tổng quý thấp nhất kể từ quý II/2010.

 

Theo MSCI Real Assets, các giao dịch bất động sản thương mại ở APAC đã giảm 37% so với quý III/2022, đánh dấu quý giảm thứ sáu liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ thu mua tại khu vực này của các nhà đầu tư toàn cầu đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 6%.

MSCI theo dõi các BĐS thương mại và danh mục đầu tư trị giá từ 10 triệu USD trở lên, trong khi JLL giám sát các giao dịch có giá trị trên 5 triệu USD, cả hai tổ chức đều ghi nhận giao dịch bất động sản đang chậm lại.

Theo công ty dịch vụ bất động sản thương mại CBRE của Hoa Kỳ, một cuộc thăm dò vào tháng 10 với khoảng 100 nhà môi giới và thẩm định viên cấp cao trên khắp các thị trường APAC cho thấy chỉ 12% trong số đó nhận thấy hoạt động đầu tư được cải thiện từ đầu năm đến nay, so với năm 2022. Cuộc khảo sát trước đó vào tháng 4 cho thấy kết quả lạc quan hơn với 73% nhà đầu tư BĐS kỳ vọng các giao dịch sẽ phục hồi trở lại trong năm nay.

Ông Henry Chin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực APAC tại CBRE cho biết: “Hoạt động đầu tư dự kiến ​​sẽ không phục hồi cho đến giữa năm 2024, mặc dù ông nhìn thấy những điểm sáng ở một số thị trường."

Trong khi đó, báo cáo của JLL cho thấy trong quý III năm nay, Hàn Quốc ghi nhận các giao dịch BĐS thương mại đạt trị giá 4,2 tỉ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Singapore, mức đầu tư giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 2 tỉ USD, nhấn mạnh rằng sự bất ổn kinh tế tiếp tục đang đè nặng lên nhu cầu của người thuê và giá thuê văn phòng.

Tuy nhiên, những người theo dõi thị trường vẫn nhận thấy một số điểm sáng trên thị trường bất định này. “Ấn Độ đang có ý định mua mạnh mẽ hơn, trong khi lãi suất thấp của Nhật Bản vẫn thu hút vốn quốc tế”,  ông Henry Chin, Giám đốc nghiên cứu thị trường APAC của CBRE, cho biết.

Bà Ambler của JLL cũng có quan điểm tương tự, lưu ý rằng nền kinh tế Nam Á là “người được hưởng lợi lớn” từ xu hướng dè chừng hiện nay, khi các nhà đầu tư toàn cầu giảm đầu tư vào Trung Quốc để xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt trên toàn khu vực.

Bà cho biết, nền tảng kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào văn phòng, cơ sở sản xuất và các dự án cơ sở hạ tầng.

 

MSCI Real Assets, trong một báo cáo tháng 11, cho biết Nhật Bản là thị trường bất động sản thương mại lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương trong 9 tháng đầu năm về cả khối lượng giao dịch và số lượng giao dịch, với 1,9 tỉ USD giao dịch công nghiệp trong quý III, khoản đầu tư hiện tại đã lên tới 6 tỉ USD, kỷ lục trong 9 tháng kể từ khi MSCI bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2007.

Trong khi đó, Ấn Độ đã có một quý tăng trưởng mạnh mẽ, với khối lượng được hỗ trợ nhờ việc Brookfield India Real Estate Trust bán 50% cổ phần trong danh mục văn phòng cho quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore với giá 683 triệu USD.

MSCI lưu ý rằng khối lượng đầu tư trong quý III năm nay của thị trường Nam Á cao hơn 50% so với mức trung bình cùng quý 5 năm vừa qua.

Nói đến tương lai, công ty quản lý đầu tư Colliers là một trong số ít đơn vị trong ngành kỳ vọng các giao dịch bất động sản thương mại sẽ tăng đều đặn trên khắp châu Á - Thái Bình Dương trong năm tới, khi khoảng cách giữa người mua và người bán thu hẹp và ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyển sang triển khai vốn.

Ông Chris Pilgrim, Giám đốc điều hành thị trường vốn toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Colliers, cho biết: Năm tới chắc chắn có vẻ tích cực hơn năm 2023, với rất nhiều vốn chủ sở hữu bị dồn nén đang tìm kiếm một nơi trú ẩn.

Có thể bạn quan tâm: 

EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho

Nguồn Nikkei Asia


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày