Thế giới

Nhật đang bị “bỏ lại” trong cuộc đua A.I tạo sinh?

Khánh Tú Thứ Hai | 17/07/2023 16:36

Nhật Bản cân nhắc việc áp dụng công nghệ A.I như chatbot ChatGPT vào công tác quản lý đất nước. Ảnh: CNBC.

Trong khi Trung Quốc, Mỹ, Eu ra sức chạy đua trong việc phát triển A.I thì Nhật dường như đang tụt lại phía sau.
Nhật Bản cân nhắc việc áp dụng công nghệ A.I như chatbot ChatGPT vào công tác quản lý đất nước. Ảnh: CNBC.

Kể từ khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT hồi cuối năm ngoái, trí tuệ nhân tạo (A.I) tạo sinh đã trở thành chủ đề nóng nhất, thu hút sự quan tâm trong giới công nghệ toàn cầu. Những đột phá về A.I được dự đoán sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% (7.000 tỉ USD) trong thập kỷ tới, theo báo cáo từ nghiên cứu của Goldman Sachs. 

Để phát triển A.I tạo sinh, các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được nhận định là chìa khóa có khả năng xử lý các tập dữ liệu khổng lồ để tạo văn bản và nội dung khác nhau. Ông Noriyuki Kojima, đồng sáng lập startup Kotoba Technology (Nhật), cho biết Nhật đang đi sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về quy mô và tốc độ phát triển các thuật toán LLM. Trong khi đó, các công ty công nghệ của Trung Quốc, bao gồm “gã khổng lồ” Alibaba hay Tencent, đã cho ra mắt ít nhất 79 LLM trong vòng 3 năm qua.

Nhật “tụt hậu” trong cuộc đua A.I

“Nhật tụt lại phía sau trong cuộc đua A.I tạo sinh bởi các mô hình học sâu vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ”, ông Kojima nhận xét. Học sâu là một phương pháp đòi hỏi trình độ kỹ thuật của các kỹ sư trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng các thuật toán. Tuy nhiên, Nhật có thể sẽ đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực nếu không kịp đào tạo kỹ sư phần mềm đến trước năm 2030, theo dự tính của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI). 

 

Bên cạnh đó, những thách thức về phần cứng vì các mô hình LLM cần được lập trình bằng siêu máy tính A.I như Vela của IBM và hệ thống được lưu trữ như Azure của Microsoft cũng là điều mà Nhật cần có giải pháp để xử lý. Thế nhưng đến hiện tại, ở Nhật ngoại trừ siêu máy tính Fugaku thuộc quản lý của chính phủ thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào có đủ khả năng để sở hữu những “cỗ máy đẳng cấp thế giới” như vậy.

Theo các phương tiện truyền thông, Viện Công nghệ Tokyo và Đại học Tohoku có kế hoạch hợp tác cùng các nhà phát triển siêu máy tính Fujitsu và Riken trong việc sử dụng cổ máy Fugaku để phát triển LLM. Kết quả nghiên cứu được lên kế hoạch công bố vào năm 2024 để tạo nền móng cho sự phát triển LLM của Nhật trong tương lai.

Không những vậy, chính phủ Nhật cho biết sẽ đầu tư 6,8 tỉ yen (48,2 triệu USD) vào công cuộc xây dựng siêu máy tính chuyên đào tạo LLM nhằm thúc đẩy sự phát triển của A.I tạo sinh tại nước này. Dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm sau.

Nỗ lực theo đuổi A.I tạo sinh

Hồi tháng 4/2023, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong một cuộc gặp gỡ với Sam Altman, CEO OpenAI, đã cho biết Nhật ủng hộ ứng dụng A.I vào quá trình sáng tạo của các ngành công nghiệp. Về phía ông Sam Altman, ông cũng cho biết OpenAI đang cân nhắc mở văn phòng tại Nhật.

Nhằm nâng cao vị thế của quốc gia trên đấu trường công nghệ, các công ty công nghệ Nhật đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển công nghệ A.I. Hồi tháng 6/2023, Tập đoàn SoftBank thông báo lên kế hoạch phát triển nền tảng A.I của riêng mình. Ông Masayoshi, sáng lập kiêm CEO SoftBank cho biết Công ty đặt mục tiêu trở thành người tiên phong trong cuộc cách mạng A.I của Nhật.

 

Trước đó vào tháng 4/2023, SoftBank đã bán 85% cổ phần trong SB Energy cho Toyota Tsusho, sau đó tiếp tục bán 90% cổ phần trong Fortress Investment Group. Về việc này, đại diện phát ngôn của SoftBank cho biết Tập đoàn cắt giảm các khoản đầu tư nhằm tập trung nguồn lực vào phát triển A.I thông qua đơn vị đầu tư vốn mạo hiểm Vision Fund.

Arm, công ty sản xuất chip của SoftBank, được cho là sẽ lên sàn niêm yết IPO tại Mỹ vào cuối năm, với mục tiêu huy động từ 8-10 tỉ USD. Theo các chuyên gia chứng khoán, đây có thể sẽ là thương vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay. Nếu thành công, SoftBank có thể thu lại nguồn vốn khổng lồ sau khi chịu lỗ 4.300 tỉ yen trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3/2023.

Ngoài SoftBank, Tập đoàn Viễn thông NTT cũng công bố kế hoạch phát triển LLM trong năm tài chính này. Tập đoàn cho biết sẽ đầu tư 8.000 tỉ yen trong giai đoạn 5 năm tới vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng như trung tâm dữ liệu (Data center) và A.I. Được biết, mức đầu tư này đã tăng lên 50% so với khoản đầu tư ban đầu.

Nhìn chung, việc phát triển LLM đòi hỏi nguồn vốn đầu tư dồi dào và lực lượng lao động có trình độ cao, đủ khả năng để xử lý ngôn ngữ tự nhiên và điện toán hiệu năng cao. Do đó, dù là những “ông lớn” như SoftBank hay NTT cũng không thể thay đổi cục diện phát triển A.I Nhật trong khoảng thời gian ngắn được.

Đường đua A.I của Nhật ngày càng có nhiều cái tên tham gia là một tín hiệu khả quan cho ngành công nghệ của đất nước này. Hơn 60% doanh nghiệp Nhật có phản hồi tích cực với việc ứng dụng A.I tạo sinh trong sáng tạo các hoạt động vận hành Công ty. Và có 9,1% doanh nghiệp đã thực hiện ứng dụng A.I.

Ông Hirokazu Matsuno, Chánh văn phòng Nội các, cho biết Nhật cân nhắc việc áp dụng công nghệ A.I như chatbot ChatGPT vào công tác quản lý đất nước. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang xem xét các điều kiện về an ninh mạng và quyền riêng tư nhằm đảm bảo an toàn thông tin.

Có thể bạn quan tâm:

Khủng hoảng thương mại châu Á giúp giải tỏa áp lực lạm phát ở Mỹ?

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày