Công Nghệ

Khúc cua mới của xe công nghệ

Trực Thanh Thứ Hai | 14/12/2020 14:00

Dịch vụ gọi xe công nghệ Grab Bike. Ảnh: Quý Hòa

Thời điểm các hãng xe công nghệ kết thúc cuộc đua đốt tiền để chuyển sang những mảng kinh doanh mới.
Dịch vụ gọi xe công nghệ Grab Bike. Ảnh: Quý Hòa

Thị trường gọi xe tiếp tục căng thẳng khi tuần qua, hàng trăm tài xế của Grab đã tắt ứng dụng và diễu hành tại TP.HCM để phản đối việc hãng này tăng cước phí. Đại diện Grab giải thích điều chỉnh giá lần này là áp dụng quy định mới của Nghị định 126/2020, VAT tăng từ 3% lên 10% với xe công nghệ. Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ. Trong khi hãng xe Be Group cho biết đang chờ hướng dẫn cụ thể để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tài xế, thì ngày 12.12, Gojeck cũng bắt đầu tăng giá cước từ 8-10% để bù thuế VAT,

Kết thúc cuộc chơi đốt tiền 

Việc tăng giá của các hãng gọi xe dường như đúng với kịch bản: kinh doanh với mức giá thấp để lôi kéo người tiêu dùng và tiến tới độc quyền, sau khi loại các đối thủ cạnh tranh theo phương thức truyền thống. Tăng VAT lên 10% với xe công nghệ đương nhiên sẽ tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng và một câu hỏi cũng được đặt ra: “Các hãng gọi xe còn lại gì trong cạnh tranh với các hãng xe truyền thống?”

Ảnh: Quý Hòa
Ảnh: Quý Hòa

Grab sau khi thâu tóm thị phần của Uber tại Đông Nam Á vào năm 2018 cũng làm dấy lên cuộc đua gọi xe tại thị trường Việt Nam với sự xuất hiện của hàng loạt hãng gọi xe công nghệ như GoViet, Be, FastGo, Tada đến MyGo hay Vato...

 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 tới nay, các hãng xe công nghệ mới gần như không còn xuất hiện. Thị trường đã trở nên quá chật chội cùng sức nóng của cuộc đua đốt tiền giành thị phần của các hãng lớn. Con số lỗ khổng lồ của các hãng xe cho thấy rào cản lớn này: tổng cộng, 3 ứng dụng gọi xe lớn nhất Việt Nam năm 2019 đốt tiền với mức lỗ khoảng 4.900 tỉ đồng. Hai ứng dụng chuyên giao đồ ăn là Baemin và Now cũng lỗ hơn 1.200 tỉ đồng.

Theo ABI Research, các khoản lỗ lớn buộc công ty phải cắt giảm chi phí và tăng cước phí, cho thấy điểm yếu về tăng trưởng bền vững của ứng dụng gọi xe nói chung. Việc tăng cước phí vừa là sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh để giảm lỗ, vừa là thời điểm để các hãng gọi xe kết thúc cuộc đua đốt tiền sau khi đã đạt mục đích chiếm thị phần của các hãng xe truyền thống và hình thành thói quen của người tiêu dùng.

Về việc điều chỉnh giá của Grab, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng tác động lớn nhất là khách hàng sẽ phải cân nhắc hơn khi sử dụng dịch vụ Grab. Nhu cầu giảm ít hay nhiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ chi tiêu, chất lượng dịch vụ, thói quen, độ trung thành của khách hàng.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, nhận định Grab chỉ có nền tảng công nghệ lại hưởng tới 25% hoa hồng, trong khi tài sản, con người của Việt Nam, dễ dẫn đến sự bức xúc của tài xế khi điều chỉnh giá tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ván bài hệ sinh thái

Không phải đến lúc điều chỉnh tăng giá mà Grab có nhiều động thái cho thấy đã thay đổi cuộc chơi trong thị trường gọi xe. Chuyên gia chiến lược doanh nghiệp Trần Bằng Việt cho rằng Grab đã tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ rộng lớn cho khách hàng và tài xế. Sau quãng thời gian đốt tiền để bành trướng, Grab đang tận dụng vị thế thống lĩnh thị trường để mở rộng kinh doanh mới.

Thực tế, từ đầu năm 2020, khi có dữ liệu đủ lớn, các hãng đặt xe công nghệ chuyển sang cuộc đua siêu ứng dụng tích hợp nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái đang dần khép kín. Grab nhanh chóng mở thêm thị phần sang giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ và thêm một loạt tiện ích khác trên một ứng dụng. Gojek cũng tham gia thị trường giao đồ ăn và giao hàng.

Đáng chú ý, các hãng còn ra mắt ví điện tử riêng để tạo thành những hệ sinh thái lớn hơn trong mảng tài chính. Grab có Moca, FastGo có Vimo và Be kết nối với ví SmartPay lẫn MoMo. Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam, khẳng định mảng thanh toán sẽ được chú trọng trong thời gian tới bên cạnh giao vận, vận chuyển xoay quanh xe 2 bánh.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, hiện cả nước có gần 70.000 ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng dịch vụ trực tuyến. Trong đó, Grab có hơn 200.000 đối tác tài xế ô tô và xe gắn máy, 16.000 đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm. Gojek Việt Nam hiện có hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí, theo Bloomberg, Grab và Gojek đang tiến đến những thỏa thuận cuối cùng cho một thương vụ M&A của 2 kỳ lân lớn tại khu vực. Theo đó, sức mạnh mà hệ sinh thái của 2 thương hiệu này sẽ tăng lên sau sáp nhập.

Grab cho biết doanh thu trong quý III/2020 đạt 95% so với trước đại dịch. Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, tiết lộ hoạt động giao đồ ăn tạo ra 50% doanh thu cho Công ty. Thời gian tới, Grab sẽ ưu tiên mở rộng các dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại. Công ty đang nỗ lực đàm phán để huy động 300-500 triệu USD cho mảng tài chính. Grab Financial, công ty tài chính của Grab, được định giá 2 tỉ USD. Đầu năm nay, Grab gửi đề xuất lên chính quyền Singapore về việc thành lập ngân hàng số.

Hệ sinh thái đi lên từ gọi xe tăng nhanh trong thị trường giao đồ ăn, giao hàng và đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt cũng có sức bật mạnh mẽ. Đây chính là sức mạnh của các siêu ứng dụng như Grab trong việc tiếp tục gây sức ép không nhỏ với các hãng taxi truyền thống. Thậm chí, sức ép này sẽ sớm mở rộng sang nhiều địa hạt khác.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày