Kinh Doanh

Điều khoản bí mật của thanh tra ngân hàng

Thứ Ba | 28/10/2014 11:53

Ngại ảnh hưởng xã hội là lý do khiến phần lớn các hoạt động, kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua không được công bố rộng rãi.
Cuối tuần qua, sự kiện ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) bị bắt giữ thu hút sự chú ý của công chúng.

Đây cũng là trường hợp hiếm hoi Ngân hàng Nhà nước chủ động công bố về sai phạm liên quan.

Cụ thể, trong quá trình triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng và phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm khi cho vay.
Ngại ảnh hưởng xã hội…
Hiếm khi bóng dáng của Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chủ động xuất hiện trước các vụ việc như vậy.

Như mới đây, chỉ khi đại biểu Quốc hội chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới gián tiếp cho biết, chính nhờ hoạt động thanh tra mới phát hiện ra những sai phạm của một số cá nhân nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Xa hơn một chút, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm ngày 27/5/2014, vai trò và câu chuyện thanh tra hệ thống là một chi tiết được chú ý. Tại tòa và trước các yêu cầu, đại diện Ngân hàng Nhà nước từ chối, không thể công bố kết luận thanh tra Ngân hàng Á châu (ACB) với lý do sẽ ảnh hưởng tới xã hội và đó là tài liệu mật theo quy định của ngành.

Ngại ảnh hưởng xã hội cũng chính là lý do khiến phần lớn các hoạt động và kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua không được công bố rộng rãi.

Nghị định 26 mà Chính phủ mới ban hành cũng dành một điều để tránh tình huống đó. Điểm 2 điều 22 Nghị định 26 ghi: “Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước và nội dung nhạy cảm mà việc công bố có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng”.

Song, cũng vì hầu hết thông tin các cuộc thanh tra đều ẩn đi sau cơ chế trên, nên đa số công chúng không rõ Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã làm gì, ở đâu sau loạt sự vụ xẩy ra thời gian qua.

Liệu thời gian tới, cơ chế công khai có cởi mở hơn, khi mà song song với đó Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước vẫn định kỳ công bố kết quả thanh tra, kiểm toán các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, như sắp tới là kết luận tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank)?

Mỗi năm nghìn cuộc

Dù ẩn đi vậy, song số liệu thống kê cho thấy một mức độ “mỗi năm nghìn cuộc” của hoạt động thanh tra những năm gần đây.

Cuối 2011 đầu 2012, trọng tâm của hoạt động này là xác định rõ mức độ sức khỏe của nhóm ngân hàng yếu kém. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thuê 4 tổ chức kiểm toán quốc tế lần lượt vào cuộc, xem đó là “gọng kìm” thứ hai, cùng với thanh tra, chỉ ra những bất ổn để khép các tổ chức tín dụng yếu kém vào yêu cầu tái cơ cấu, hoặc làm cơ sở để áp các mức độ giám sát, cũng như khoanh vùng rủi ro đối với hệ thống.

Đến 2013, có thể nói là năm kỷ lục của thanh tra và kiểm toán trên toàn hệ thống. Cụ thể, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã thực hiện tới 978 cuộc thanh tra, 310 cuộc kiểm tra. Đi cùng là trên 9.000 kiến nghị đối với các tổ chức tín dụng, 129 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 118 tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, một số vụ việc đã được cơ quan này chuyển qua cơ quan pháp luật xử lý.

Riêng với kênh đã chuyển cho cơ quan pháp luật, có thể những vụ việc diễn ra gần đây chưa dừng lại ở trường hợp của “bầu” Kiên, Huyền Như, nguyên một số lãnh đạo của VNCB, hay vừa rồi là trường hợp ông Hà Văn Thắm…(?).

Đến năm 2014, tần suất thanh tra, kiểm toán các ngân hàng thương mại tiếp tục được mở rộng và có một “chuyên đề” riêng. Đầu năm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tập trung thanh tra chất lượng tín dụng và nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

“Những tổ chức không nằm trong danh sách thanh tra cũng phải thực hiện kiểm toán về chất lượng tín dụng theo nội dung”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Ngoài mục đích phát hiện những bất cập và vi phạm, thanh tra và kiểm toán “chuyên đề” chất lượng tín dụng và nợ xấu năm nay còn nhằm tạo một bước chấn chỉnh, chuẩn bị cho việc áp dụng cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn và toàn diện hơn trong năm 2015, với cơ chế của Thông tư 02 (sau sửa đổi và bổ sung bằng Thông tư 09).

Theo kế hoạch, chiều 28/10 này Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức họp báo định kỳ. Vụ việc vừa xẩy ra tại OceanBank hẳn sẽ là nội dung được báo giới quan tâm, mà liên quan là hoạt động thanh tra, kiểm toán và kết quả nói chung. Hy vọng tại cuộc họp này sẽ có thêm những thông tin cởi mở.

Nguồn VnEconomy


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày