Kinh Doanh

Ngóng gói hỗ trợ kinh tế thứ 2

Hoàng Hà Thứ Hai | 10/05/2021 07:30

Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế được dự báo vẫn còn nặng nề. Ảnh: Quý Hòa.

Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế được dự báo vẫn còn nặng nề.
Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế được dự báo vẫn còn nặng nề. Ảnh: Quý Hòa.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay và thậm chí tăng lên 7% trong năm 2022 bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận.

Trong khi đó, theo ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, đến nay Chính phủ Việt Nam đã xử lý rất tốt các đợt bùng phát COVID-19. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,5-7% so với 2,9% năm 2020.

Mức tăng trưởng này được dự báo trên cơ sở: tiêu dùng hộ gia đình đang phục hồi và sẽ tăng trưởng 8-9% năm nay so với mức 0% của năm ngoái; sản xuất trong nước sẽ phục hồi và tăng trưởng 12% năm nay so với mức tăng 5,8% năm 2020.

 

Ngoài ra, với gói hỗ trợ 1.900 tỉ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỉ USD, qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 tăng trưởng thêm 0,8 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, với diễn biến bất ngờ, sự trở lại của dịch COVID-19 tại một số tỉnh, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng đang cho thấy những thách thức trong việc giữ vững thành quả trong thời gian qua và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Theo thống kê, trong 4 tháng, cả nước có tới 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2021 của Tổng cục Thống kê, trong quý I, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm bị mất việc, phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và giảm thu nhập.

Nhiều câu hỏi về việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới trước làn sóng COVID-19 thứ 4 đã được đặt ra, trong đó quan tâm nhất là Chính phủ tung ra gói hỗ trợ thứ 2 như thế nào?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng không nên dùng khái niệm “gói”, thay vào đó là tập hợp các giải pháp của các ngành, các lĩnh vực khác nhau để hướng tới một mục tiêu chung là hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, do tình hình dịch bệnh, năm 2020 Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng. “Mới đây, Chính phủ đã thảo luận và giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết lại sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ. Vừa xong, Chính phủ đã có Nghị định 52 về gia hạn tiền nộp thuế,... tổng cộng một gói hỗ trợ khoảng 115.000 tỉ đồng”, ông Sơn nói.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để kích thích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Hiện nay, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu nên duy trì mặt bằng lãi suất cho vay vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không có nhiều ý nghĩa như năm 2020 do nhiều doanh nghiệp đã không có thu nhập sau 1 năm khó khăn vì COVID-19.

Dù vậy, giảm thuế VAT lại có thể tác động trong việc kích thích tiêu dùng, từ đó gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất... nên cần tiếp tục giảm thuế VAT. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng nên xem xét gói kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, ngoài cải cách thì cần ưu tiên phục hồi kinh tế.

Nhìn xa hơn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng, nếu không có một nền sản xuất thực sự, tiến tới quy mô lớn hơn dựa trên đổi mới sáng tạo nhiều hơn thì kinh tế không thể bứt phá ngoạn mục sau dịch bệnh. Sau dịch, các nước đẩy mạnh phục hồi kinh tế thì chúng ta lại trở về với vạch xuất phát ban đầu, nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu. Do vậy, cần phải tận dụng lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng các biện pháp hỗ trợ kịp thời. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày