Kinh Doanh

Thực phẩm chế biến: Thuận lợi ở Trung Quốc, bất lợi ở sân nhà

Kim Thùy Thứ Năm | 27/02/2020 16:00

Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm nay. Ảnh: Quý Hòa

Nếu thị trường Trung Quốc tiếp tục đóng cửa, nguy cơ thực phẩm ngoại tràn về Việt Nam sẽ càng sớm hơn.
Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm nay. Ảnh: Quý Hòa

Nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt vì dịch COVID-19 thời gian qua đã tạo ra những thách thức về nguồn cung thực phẩm tại đất nước 1,4 tỉ dân. Đây có thể sẽ là cơ hội để thực phẩm đóng hộp, thức ăn tiện lợi đã qua chế biến của Việt Nam tiếp cận sâu hơn thị trường này.

Xu hướng ăn vặt ở giới trẻ ở Trung Quốc đã phát triển từ lâu. Đặc biệt, thực phẩm ăn nhanh, bánh làm từ rau, trái cây có thể giữ được vitamin, khoáng chất và cả vi khuẩn thông qua công nghệ sấy lạnh luôn được ưa chuộng. Lượng tiêu thụ loại thực phẩm này không ngừng gia tăng, tỉ lệ tăng trưởng toàn ngành trung bình năm đạt 3,58%. Năm 2012 tiêu thụ 14,2 triệu tấn, đến năm 2018 tăng vọt lên 17,49 triệu tấn và năm 2019 trên 18,26 triệu tấn. Dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2020 sẽ không dưới 20 triệu tấn.

Vốn là nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới, khi bất ngờ bị đánh úp bởi dịch COVID-19 đã đẩy nhu cầu lương thực ở Trung Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng. Mặc dù Chính phủ nước này đã khẳng định lương thực dự trữ đủ cung cấp cho cả nước nhưng rõ ràng việc cách ly, hạn chế đi lại, ngừng nhiều hoạt động sản xuất như hiện tại thì việc thiếu hụt nhất thời là khó tránh được. Ngay cả trường hợp dịch bệnh được khống chế, ngành sản xuất thực phẩm ở Trung Quốc cũng như việc kết nối lại cung cầu cũng cần có thời gian.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Qua trao đổi với các đối tác Trung Quốc, sau dịch bệnh, người tiêu dùng thường chuộng sản phẩm đồ hộp, đồ đông lạnh hơn là đồ tươi sống. Vì vậy, chúng tôi cũng tư vấn doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến, chuẩn bị sẵn nguồn hàng trong chu kỳ 3-5 tháng tới, dự báo thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất lớn”.

Tuy nhiên, thực phẩm chế biến của Việt Nam có thật sự đủ lực để nắm bắt cơ hội này hay chưa thì vẫn còn nhiều khía cạnh cần xem xét. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ năm 2017-2019, quốc gia này nhập khẩu thực phẩm nhiều nhất là châu Âu, thứ 2 là Mỹ, tiếp theo là New Zealand, Indonesia và Canada. Việt Nam chỉ chiếm gần 2,5% trong tổng số giá trị nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm vào Trung Quốc.

Cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu thêm 20 ngày, thay cho dự kiến ban đầu là ngày 9.2.2020. Quy định này đã buộc các hàng hóa nông - thủy hải sản tươi sống của Việt Nam phải chuyển qua chế biến làm nước ép, sấy khô, đóng hộp... như một giải pháp ngắn hạn để gia tăng giá trị nông sản và kéo dài thời gian lưu thông trên thị trường.

Động thái này của Trung Quốc cũng khiến cho các quốc gia xuất khẩu thực phẩm tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và Việt Nam là điểm đến không thể bỏ qua. Báo cáo của Datamoniter giữa năm 2019 cho thấy, thị trường thực phẩm chế biến sẵn ở Việt Nam trong những năm qua luôn tăng trưởng ở mức hấp dẫn, có năm tăng trưởng xấp xỉ 2 con số.

Thực vậy, những năm gần đây, thị trường thực phẩm đóng hộp Việt Nam đã liên tục tăng đều đặn và trở thành một mặt hàng phổ biến trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, với sự tham gia của nhiều gương mặt từ doanh nghiệp nội cho đến các nhãn hàng ngoại từ Thái Lan, Indonesia, Mỹ... Bên cạnh đó, sự hấp dẫn này còn thể hiện qua hàng loạt thương vụ chuyển giao, mua bán - sáp nhập giữa doanh nghiệp ngoại và các đơn vị trong nước. Điển hình là CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Cầu Tre; Earth Chemical (Nhật) mua 100% cổ phần của Á Mỹ Gia; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Thực phẩm Đức Việt...

Nếu thị trường Trung Quốc tiếp tục đóng cửa như hiện tại thì nguy cơ thực phẩm ngoại tràn về thị trường Việt Nam sẽ càng sớm hơn. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, hiện tại, Việt Nam có gần 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng chủ lực trên thị trường chỉ chừng vài chục nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến như Vissan, CJ Cầu Tre, Hạ Long Canfoco, Seaspimex, Tân Tân, KTCFood, Saigon Food... Phần còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, chuyên gia công sản phẩm cho những thương hiệu lớn hơn hoặc là những nhãn hàng riêng cho các kênh bán lẻ.

Hơn nữa, trình độ chế biến nông sản của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với thế giới. Đa số doanh nghiệp chế biến có quy mô nhỏ lẻ, gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 5-10% sản lượng nông sản. Trong khi đó, chất lượng của sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam chưa ổn định, chậm chuyển đổi công nghệ nên vẫn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo các tiêu chuẩn cao hơn ở các thị trường mới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày