Tài Chính

367 mã giảm, VN-Index mất hơn 11 điểm

Song Luân Thứ Hai | 13/02/2023 16:42

Số lượng mã giảm áp đảo ở sàn HOSE phiên 13/2. Ảnh: VNDirect.

Vừa đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vào pha điều chỉnh với 47 mã giảm sàn, trong đó có nhiều mã bất động sản.
Số lượng mã giảm áp đảo ở sàn HOSE phiên 13/2. Ảnh: VNDirect.

Phiên giao dịch 13/2, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị sắc đỏ "nhấn chìm". Áp lực bán gia tăng dần ở phiên chiều, nhiều cổ phiếu bất động sản, ngân hàng nhỏ giảm sàn. Đã có lúc, chỉ số VN-Index giảm hơn 21 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy ở cuối phiên đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và đóng cửa ở mức 1.043 điểm, giảm 11,6 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE nghiêng hoàn toàn về bên bán với 367 mã giảm, trong đó có 47 mã giảm sàn, trong khi chỉ vỏn vẹn 71 mã tăng. Thanh khoản ở sàn HOSE duy trì ở mức khá với hơn 10.400 tỉ đồng được giao dịch. 

14/18 nhóm ngành giảm điểm ở phiên 13/2. Ảnh: VDSC.
14/18 nhóm ngành giảm điểm ở phiên 13/2. Ảnh: VDSC.

Nhóm cổ phiếu VN30 cũng chịu áp lực bán khi có tới 21 mã thuộc nhóm này ghi nhận đà giảm, trong đó nhiều cổ phiếu còn dẫn đầu "đoàn tàu giảm điểm" của VN-Index, điển hình như VCB, VHM, VPB, GVR hay sự giảm sàn của cặp đôi PDR và NVL. Bên cạnh cặp đôi này, nhiều cổ phiếu bất động sản như DIG, DXG, CRE, KHG,… cũng đồng loạt giảm sàn. Nhiều cổ phiếu khác thuộc nhóm bất động sản cũng ghi nhận mức giảm từ 4% đến trên 6% ở phiên giao dịch này. 

Nguồn: VNDirect
BID, MSN, SAB là 3 mã đóng vai trò nâng đỡ VN-Index. Nguồn: VNDirect

Xét trên từng nhóm ngày, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy 14/18 nhóm ngành đều ghi nhận đà giảm trong phiên giao dịch 13/2. Trong đó, bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính và hóa chất là 4 nhóm ngành tác động tiêu cực nhất đối với đà giảm của VN-Index. Trong khi đó, nhóm ngành bán lẻ, công nghệ thông tin và y tế vẫn giữ được sắc xanh nhỏ, và nhiều đại diện trong các nhóm này như MSN, SAB và một số cổ phiếu ngân hàng như BID, STB và CTG đã đóng góp một phần nhỏ nâng đỡ thị trường. 

 

Bỏ qua những diễn biến ngắn hạn và nhìn ở một bức tranh lớn của cả năm 2023, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính VN-Index sẽ đạt 1.217 điểm với mức tăng trưởng lợi nhuận là 12,8% và P/E là 11,3x. Kịch bản cơ sở của ACBS dựa trên các giả định về 1) khả năng phục hồi của ngành ngân hàng nhờ chất lượng tài sản và NIM sẽ duy trì ổn định, 2) ACBS kỳ vọng lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát trong năm 2023, giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để xúc tiến đầu tư công, qua đó thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng cũng như các ngành liên quan như logistics, khu công nghiệp. Theo ACBS, vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn. 

“Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi cho rằng cục diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khác do mức định giá hiện đang rất hấp dẫn và điều này sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại quay trở lại. Với kỳ vọng bức tranh nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn, chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán sẽ đi trước sự xoay trục kinh tế và bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý I/2023 - đầu quý II/2023”, ACBS nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Giải pháp 3 bên cho trái phiếu doanh nghiệp


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày