Tài Chính

Cổ phiếu dầu khí kỳ vọng trở lại

Viết Nguyên Thứ Hai | 17/10/2022 13:00

Theo Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành dầu khí đã ở mức chiết khấu rất sâu, tới 31,74%. Ảnh: TL.

Dù vẫn chưa thể bật dậy nhưng cổ phiếu dầu khí được đánh giá là có cơ hội phục hồi sớm nhất.
Theo Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành dầu khí đã ở mức chiết khấu rất sâu, tới 31,74%. Ảnh: TL.

Theo Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành dầu khí đã ở mức chiết khấu rất sâu, tới 31,74%, chỉ thua ngành nguyên vật liệu về độ suy giảm trên thị trường. Đây cũng là mức suy giảm cao nhất của nhóm dầu khí trong các năm biến động. Vì thế, khi thị trường phục hồi, theo ABS, cổ phiếu dầu khí thường bật dậy nhanh. Trong quá khứ, ở cả 4 nhịp giảm gần đây, nhóm dầu khí cũng là ngành nhạy sóng và có mức phục hồi cao.

Ông Lê Đức Khánh, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPS, từng quan sát thấy các nhà đầu tư chuyên nghiệp và chuyên gia chứng khoán đều rất quan tâm đến cổ phiếu dầu khí, xem đây là những cổ phiếu hứa hẹn mang lại mức sinh lời hợp lý, kể cả khi lạm phát leo thang.

“Không phải không có lý khi nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã tiết lộ hồi đầu năm là Berkshire Hathaway của ông đã và đang đầu tư lớn vào các doanh nghiệp dầu khí”, ông Khánh nói.

Xét từng lĩnh vực, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) chỉ ra, ngành vận tải dầu khí có nhiều triển vọng khi giá cước tàu chở dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng. Từ cuối năm nay, EU sẽ cấm hầu hết dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập từ Nga vào EU. Điều này buộc các nước thuộc EU tìm cách mua dầu ở nơi khác như Trung Đông. Còn Nga cũng đang chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ. Việc chuyển hướng này đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến chuyến đi dài hơn, gây áp lực lên thị trường vận tải xăng dầu toàn cầu và đẩy giá vận chuyển tăng lên. 

 

Tuy nhiên, VNDS lưu ý, chỉ những công ty tham gia vào thị trường quốc tế mới hưởng lợi chính từ đà tăng giá cước tàu chở dầu và nhiên liệu. Theo tiêu chí này, PVTrans (PVT) có lợi thế hơn vì có trên 80% đội tàu đang hoạt động ở các tuyến quốc tế. Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVTrans, cho biết Công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động khai thác các tuyến quốc tế và từng bước tham gia chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu.

Ở lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí (E&P), một chuyên gia phân tích của SV Invest cho biết khi giá dầu tăng, các cổ phiếu dầu khí thuộc nhóm thượng tầng như PVS, PVD, PVC... sẽ hưởng lợi. 

Thực tế, giá dầu thế giới tăng mạnh trở lại khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng. Chỉ trong 1 tuần (3-10/10/2022), giá dầu Brent đã tăng 15,01% lên 97,92 USD/thùng, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Dù giá dầu có lúc điều chỉnh giảm nhưng vẫn đang duy trì ở vùng giá cao. Goldman Sachs và Morgan Stanley dự báo đến cuối năm nay, giá dầu Brent có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng.

Trung Quốc cũng đang dần mở cửa và gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu. Mới đây, nước này đã cấp hạn ngạch nhập khẩu đầu tiên cho các nhà máy lọc dầu độc lập ở mức 20 triệu tấn dầu cho năm 2023, tương đương 146 triệu thùng dầu, sớm hơn 3 tháng so với hằng năm. Yếu tố kinh tế Trung Quốc phục hồi được nhìn nhận sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho các đơn vị cung cấp dầu khí.

Trung Quốc cũng đang dần mở cửa và gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu. Ảnh: Thế Vinh.
Trung Quốc cũng đang dần mở cửa và gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu. Ảnh: Thế Vinh.

Với bối cảnh này, theo ghi nhận từ IHS Markit, thế giới đã tăng đầu tư vào lĩnh vực E&P. Riêng Việt Nam kỳ vọng dự án Lô B với vốn đầu tư ước khoảng 10 tỉ USD sẽ giúp hồi sinh lĩnh vực E&P và đem lại sức bật mới cho ngành dầu khí, nhất là các doanh nghiệp như PTSC (PVS), PV Drilling (PVD), PV Gas (GAS). 

Công ty Chứng khoán HSC dự đoán, PTSC sẽ nhận được hợp đồng tiềm năng trị giá 1,3 tỉ USD cho giai đoạn 2023-2025 với tư cách là nhà thầu EPC chính tại dự án Lô B. Còn PV Gas là nhà đầu tư chính cho đường ống Lô B/Ô Môn và có thể đạt vận chuyển tối đa 7 tỉ m3 khí tự nhiên/năm, tương đương 70-80% sản lượng khí đường ống hiện tại của Việt Nam. Riêng PV Drilling sẽ thực hiện chiến dịch khoan dài hạn cho dự án lô B, với khả năng sinh lời cao hơn so với các hợp đồng trong khu vực. 

Bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí cũng cho thấy sự khởi sắc. Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), cho biết tổng doanh thu sau 9 tháng của Công ty đã đạt hơn 125.000 tỉ đồng, vượt hơn 36% kế hoạch năm. PV Gas cũng ước đạt doanh thu 76.500 tỉ đồng sau 3 quý, tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng PV Oil (OIL) đạt doanh thu hợp nhất 9 tháng là 76.497 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ và vượt 70% kế hoạch cả năm 2022.

Tuy nhiên, Petrolimex (PLX) dù ghi nhận doanh thu đột biến trong quý II nhưng vẫn báo lỗ gần 141 tỉ đồng. Theo đại diện Petrolimex, trước biến động thất thường của giá dầu thô trên thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước có lúc bị gián đoạn, Petrolimex phải nhập khẩu để bù đắp nhu cầu. Kết quả, khi giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, Petrolimex phải trích lập dự phòng hàng tồn kho. 

 

Còn PV Oil dù không thua lỗ nhưng biên lợi nhuận cũng bị đe dọa. Cả cổ phiếu PLX lẫn OIL vẫn tiếp tục dò đáy. Trong đó, OIL đang giao dịch quanh mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý, với kế hoạch sẽ đón dòng khí đầu tiên cuối năm 2025, tức phải 2-3 năm nữa, hiệu quả từ dự án Lô B mới thể hiện trên kết quả kinh doanh của các công ty dầu khí. Đó là chưa kể rủi ro từ dự án chậm trễ. Vì thế, theo ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khi đầu tư cổ phiếu dầu khí, nhà đầu tư cần thận trọng và chú ý hơn tới các câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày