Tài Chính

Điểm danh những doanh nghiệp lãi cao nhất

Viết Nguyên Thứ Hai | 25/07/2022 14:00

Cổ phiếu của nhiều công ty kinh doanh tốt đã được phản ánh tích cực vào giá. Ảnh: Quý Hòa

Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hóa chất, công nghệ, xuất khẩu... đã báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm.
Cổ phiếu của nhiều công ty kinh doanh tốt đã được phản ánh tích cực vào giá. Ảnh: Quý Hòa

Theo công bố mới nhất của Hóa chất Đức Giang (DGC), 6 tháng đầu năm, công ty này đạt doanh thu thuần 7.637 tỉ đồng, lãi sau thuế 3.401 tỉ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, Công ty gần như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. Lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cho biết, đó là nhờ Công ty đã đưa mỏ quặng apatit mới vào khai thác từ tháng 3 năm ngoái, giúp doanh nghiệp chủ động nguyên liệu đầu vào, tối ưu chi phí, giảm giá thành sản phẩm và gia tăng lợi nhuận. 

Ông Đinh Minh Trí, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhận xét, tại Hóa chất Đức Giang, xuất khẩu chiếm đến 68% tổng doanh thu nên khi nhu cầu và giá phốt pho trên thế giới duy trì ở mức cao, mảng kinh doanh các mặt hàng chủ chốt như phốt pho vàng, axit phosphoric…  tiếp tục tăng trưởng. 

 

Ở lĩnh vực khác, lãi sau thuế  6 tháng đầu năm 2022 của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) cũng tăng trưởng 2 con số, đạt 217,7 tỉ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm, Rạng Đông đã thực hiện gần 80% mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc của Rạng Đông, cho biết kinh doanh tăng trưởng là nhờ Công ty phát triển hệ thống truyền thông số, mở rộng thương mại điện tử và thực hiện mô hình kinh doanh lai trong khung mô hình kinh doanh số DBM. Rạng Đông đã chuyển từ cung cấp sản phẩm sang cung cấp hệ thống/giải pháp hệ sinh thái sản phẩm kèm theo dịch vụ đồng bộ, trọn gói...

Đặc biệt, Rạng Đông dự tính mở rộng thị phần và hợp tác với các đối tác lớn (Walmart, GE, Lowe’s, ILP...) với kỳ vọng tăng trưởng 1,5 lần ở thị trường Mỹ. Đối với thị trường truyền thống như Hàn Quốc, 6 tháng đầu năm nay Rạng Đông ghi nhận tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Công ty đang hướng đến tăng trưởng 50% ở Hàn Quốc và mở rộng thị trường Úc, Campuchia…

 

Tại FPT, doanh thu và lãi trước thuế 6 tháng đạt hơn 19.800 tỉ đồng và 3.637 tỉ đồng, tăng lần lượt 22% và 24% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO của FPT, cho biết Công ty tăng trưởng đều ở tất cả các mảng từ công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số cho đến viễn thông, giáo dục.

Mảng công nghệ của FPT có sự đóng góp tích cực của các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Made-by-FPT. Riêng thị trường nước ngoài, FPT đã nhận nhiều đơn hàng lớn, trong đó có 13 dự án đạt quy mô trên 5 triệu USD. FPT cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đà tăng trưởng ở các thị trường mà Mỹ sẽ là thị trường lớn nhất ở nước ngoài, góp phần đưa doanh thu FPT Software đạt mức tỉ USD vào năm 2023. 

Đối với mảng viễn thông, biên lợi nhuận của FPT được mở rộng từ 18,3% lên 19,2% nhờ PayTV. Đặc biệt, nhờ nhu cầu giáo dục đào tạo ngành công nghệ thông tin tăng mạnh, doanh thu giáo dục của FPT đã tăng 42%, đạt 1.935 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022. 

Với những lĩnh vực mới, FPT vẫn tìm kiếm các cơ hội mà nhảy vào phân phối thực phẩm là một ví dụ. Hiện tại, Sen Đỏ, sàn thương mại điện tử thuộc FPT, đã thử nghiệm mô hình đi chợ kiểu mới, với hàng hóa được lấy từ nguồn do chính Sen Đỏ đảm bảo.

Trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu, theo báo cáo của Công ty Đầu tư và Thương mại TNG, 6 tháng đầu năm nay, TNG đạt doanh thu 3.242 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 125,3 tỉ đồng, lần lượt tăng 36,8% và 50,8% so với cùng kỳ. Bắc Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm của công ty này khi chiếm 54,4% tỉ trọng xuất khẩu, tiếp sau là EU, châu Á.

TNG cho biết, lợi nhuận tăng trưởng là do đầu tư bổ sung thêm máy móc thiết bị tự động và ứng dụng phần mềm tự phát triển để kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động nên đã tăng được năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng và tình trạng khan hiếm container cải thiện, hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng giúp doanh thu tăng. 

Những biến động về sức mua giảm của các thị trường như Mỹ, EU cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu nhưng theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TNG, sức giảm ấy không đồng đều và các công ty có quy mô, uy tín lớn vẫn tạo được lợi thế. Bản thân TNG đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia và tình hình đơn hàng vẫn ổn định. Với đơn hàng vẫn tốt, ông Nguyễn Văn Thời tin tưởng Công ty sẽ hoàn thành vượt kế hoạch năm. 

Ngoài ra, những công ty đầu tư cho sản phẩm mới, mở rộng mô hình theo nhu cầu thị trường và nỗ lực triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như Kido (KDC) cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt. Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của Kido đã tăng 30%, đạt 6.352 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 427 tỉ đồng, tăng 27%. Với kết quả này, Kido đã đi được nửa đoạn đường kế hoạch năm. 

Ảnh: TL
Nhóm ngành hoá chất vẫn có khả năng đạt kết quả kinh doanh tốt. Ảnh: TL

Một số công ty như Ngân hàng Quân Đội (MBB), Vĩnh Hoàn (VHC), PNJ, Digiworld (DGW).. cũng ước ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Có thể thấy, các công ty lớn, có vị thế trong ngành, hưởng lợi từ đà tăng giá thị trường, sẵn sàng thay đổi, biết ứng dụng công nghệ và có khả năng xuất khẩu đều đạt kết quả kinh doanh tốt bất chấp tình hình kinh tế chính trị toàn cầu có những bất ổn. 

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, cổ phiếu của nhiều công ty kinh doanh tốt đã được phản ánh tích cực vào giá. Trong các tháng còn lại của năm 2022, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, cho rằng nhóm ngành hóa chất, dầu khí, cảng biển, công nghệ, thủy sản, tài chính (ngân hàng)... vẫn có khả năng đạt kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên có sự so sánh mức tăng trưởng lợi nhuận với giai đoạn trước dịch COVID-19 để nhìn nhận chính xác hơn về giá trị doanh nghiệp.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày