Tài Chính

Hồi phục ở đáy 900?

Khổng Hiệp Thứ Ba | 25/02/2020 10:53

Nguồn ảnh: QH

Mỗi khi dưới mốc 900, Vn-Index lại phục hồi ngay sau đó...
Nguồn ảnh: QH

Nỗi sợ dịch COVID-19 kích bán tháo đẩy VN-Index có lúc giảm gần 100 điểm, xuống dưới 900 điểm. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, cứ như một quy luật ngẫu nhiên, khi xuống dưới mốc 900 là chỉ số lại hồi phục trong ngay hôm đó hoặc một vài ngày kế tiếp.

Lần đầu tiên sau gần 10 năm, VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm là ngày 20.11.2017. Ngay sau đó nửa tháng, chỉ số lần đầu giảm về mốc 900. Thời điểm đó, các chuyên gia ở công ty chứng khoán nhận định chỉ là việc “điều chỉnh giảm hạ nhiệt” sau chuỗi ngày dài tăng liên tục của chỉ số.

Và thật sự, sau đó, chỉ số này bước vào chuỗi ngày đi lên mạnh mẽ chinh phục đỉnh cũ thời đại 1.200 điểm. Sau đó là các sự kiện đáng sợ liên tục liên quan đến chiến tranh thương mại, các công bố áp thuế giữa 2 nước Mỹ - Trung từ tháng 6.2018, cú sốc giá dầu giảm cuối năm 2018. Các sự kiện này làm thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Gần như trong suốt quý IV/2018, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á và Việt Nam rơi mạnh liên tục mà theo giới chuyên gia là do cú sốc giá dầu thế giới. Chỉ số Dow Jones của Mỹ mất tới 18%, Nikkei Nhật bay mất 20%, còn VN-Index của Việt Nam cũng không thoát khỏi xu hướng chung và về dưới 900 điểm trong 2 lần, tổng cộng VN-Index mất 15% từ mức cao nhất đầu quý.

 

Sau một năm 2019 khá hơn, mốc 900 này lại được thử thách một lần nữa vào ngày 3.2.2020, 2 ngày sau khi thị trường chứng khoán mở cửa sau Tết Nguyên đán, dịch cúm COVID-19 kích hoạt sự bán tháo của nhà đầu tư (Việt Nam và nhiều nước khác), đẩy VN-Index có lúc rơi gần 100 điểm về dưới mốc 900 chỉ trong 3 phiên, lấy đi gần 15 tỉ USD vốn hóa thị trường trước khi hồi phục đến hiện tại.

Hầu như những đợt giảm này đều do các thông tin mang tầm vĩ mô tác động đến thị trường chứng khoán cũng như tâm lý nhà đầu tư. Ở những lần giảm trước, khi VN-Index về mức 900 điểm, các chuyên gia đều nhận định mức định giá của thị trường đang khá thấp so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trên sàn. 

Những lúc đó, hệ số P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) đều quanh mức 14-15 lần, cũng là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thực sự sau đó, thị trường tăng trở lại và VN-Index lại vượt lên trên 900. Ngoài ra, GDP Việt Nam đạt tăng trưởng 6,8-7% mỗi năm trong suốt 3 năm qua và mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020 cũng ở mức trên.

 

Lần này, ngày 3.2.2020, VN-Index một lần nữa đã có lúc đâm thủng mốc 900 nhưng đã hồi phục lên lại trên mốc này ngay trong ngày hôm đó và đang giao dịch trong vùng 900-940 điểm. Giống như những lần trước, các tổ chức tài chính, công ty chứng khoán cũng đánh giá đây là vùng giá hấp dẫn so với mức lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm 2020. Cụ thể như ngành ngân hàng với mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết của hầu hết các công ty chứng khoán là 20-30%. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá trong Top 50 công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức cao trong khi ngành bất động sản được kỳ vọng cao hơn trong năm 2020, đóng góp lớn từ Vietcombank và Vinhomes.


Theo đánh giá của bà Đào Phương Thảo, đại diện Bộ phận Thông tin tài chính của Công ty FiinGroup, chỉ xét về mặt phân tích kỹ thuật trong phân tích thị trường, đã nhiều lần VN-Index giảm tới vùng 900 thì tăng lại nên vùng giá này được xem là hấp dẫn. Tuy nhiên, ở góc độ nền tảng cơ bản, mặc dù VN-Index đã giảm khá sâu trước khi những thông tin về dịch COVID-19 bùng phát nhưng mặt bằng định giá tương quan với lợi nhuận (P/E) đã về tiệm cận mức tương đương lúc VN-Index ở khoảng 700 điểm. “Thị trường chung ở mức hiện nay là vùng hấp dẫn, lý do là mặc dù lợi nhuận qua các quý vẫn tăng trưởng liên tục nhưng VN-Index lại không tăng hoặc giảm như đề cập ở trên”, bà Thảo cho biết thêm và cũng lưu ý không loại trừ khả năng mọi thứ có thể thay đổi do những diễn biến khó lường của dịch COVID-19.


Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng có cùng quan điểm và lý giải, P/E và P/B của các chỉ số như VN-Index đều đang ở vùng thấp trong gần 4 năm qua trong khi tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2020 được dự báo ở mức 10-15%. Do vậy, mức định giá của thị trường hiện tại so với lợi nhuận các công ty trên sàn là khá thấp.

Hồi đầu tháng 2, quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund, đang quản lý 325 triệu euro, đánh giá tuy thị trường chứng khoán Việt Nam đang giảm mạnh do lo sợ về dịch cúm gây viêm phổi cấp nhưng họ vẫn kỳ vọng thị trường sẽ đi lên trở lại vì thu nhập của các công ty vẫn tăng mạnh như ngân hàng, bán lẻ. Quỹ này cũng cho biết họ đã mua thêm cổ phiếu trong tuần giảm giá mạnh của thị trường. Khi các quan điểm đều đồng nhất như vậy, liệu lịch sử có lặp lại một lần nữa cho VN-Index?.

Dòng vốn ETF rút khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á cao gấp 10 lần tuần trước, ngoại trừ Việt Nam

Chứng khoán Việt nằm trong top giảm mạnh nhất thế giới trong ngày 24/02


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày