Tài Chính

Lạm phát tăng lại trong tháng 4/2024

Việt Hà Thứ Hai | 06/05/2024 15:53

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. Ảnh: TL.

Lạm phát quay trở lại thường là một vấn đề đáng lo ngại, vì nó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và “túi tiền” của mọi người.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. Ảnh: TL.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Mức tăng chủ yếu đến từ giá xăng trong nước tăng 4,78%, giá dầu diezen cũng tăng hơn 2%. Nhưng giá cả nhóm lương thực thực phẩm tiếp tục giảm giúp kiềm chế đà tăng của CPI chung. Trong báo cáo được cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết họ lo ngại đà tăng của lạm phát sẽ tiếp tục trong thời gian tới do nhiều nguyên nhân. 

Đầu tiên là nguy cơ giá dầu neo cao do căng thẳng khu vực Trung Đông trong thời gian gần đây, từ đó làm tăng áp lực lên lạm phát. 

Thứ hai, FED vẫn chưa quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất và rất có thể thời điểm này sẽ tiếp tục lùi lại về cuối năm, từ đó gây áp lực mất giá đối với VND. Tuy nhiên, chính sách hiện tại của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cố gắng duy trì nền lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, từ đó, tỉ giá USD/VND có thể sẽ neo cao trong một thời gian dài. 

 

“Bộ đôi lãi suất thấp và tỉ giá USD/VND cao đều có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng lạm phát”, ACBS nhận định. 

Mặc dù còn nhiều thách thức đối với lạm phát trong năm nay, ACBS cho biết họ vẫn đánh giá lạm phát của Việt Nam có thể đạt mức mục tiêu 4,5% của Chính phủ nhờ 3 yếu tố chính hỗ trợ. 

Đầu tiên, nhóm lương thực thực phẩm (chiếm tỉ trọng 33,5% trong rổ CPI) tiếp tục giảm sau khi tăng nóng 2 tháng đầu năm. 

Thứ hai, Chính phủ đang thực hiện liên tiếp nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt tỉ giá, đơn cử như thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ hút ròng qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ nhằm giảm áp lực tỉ giá.

Thứ ba, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp như điều tiết thuế, phí đối với các mặt hàng do nhà nước định giá như sản phẩm xăng dầu, giá điện, giá nước nhằm kiềm chế áp lực tăng giá của nhóm này lên chỉ số lạm phát.

 

Ở bức tranh dài hơn, báo cáo hồi đầu tháng 4/2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tổ chức này dự báo CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 3,5% - 3,6%, mức lạm phát vẫn duy trì trong kế hoạch đề ra của Chính phủ là 4% - 4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp. Tuy nhiên, MBS cho rằng lạm phát trong năm sau sẽ chịu rủi ro bởi 4 yếu tố chính. 

Thứ nhất, giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. 

Thứ hai, EVN có thể sẽ tiếp tục các đợt tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. 

Thứ ba, chỉ số giá lương thực có xu hướng tăng do giá nhóm gạo sẽ tăng trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường châu Á và châu Phi tăng lên. Ngoài ra, giá dầu cũng là một yếu tố đáng chú ý trong năm sau trong bối cảnh các xung đột quốc tế có thể kéo dài tuy nhiên triển vọng vẫn chưa quá rõ ràng và dự kiến vẫn sẽ duy trì khá ổn định quanh mức 83 - 85 USD/thùng do các nỗ lực cắt giảm nguồn cung từ OPEC+. 

Có thể bạn quan tâm 

Tiêu thụ điện tăng cao, cổ phiếu điện “phát sáng”


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày