Tài Chính

Tiền gửi của cư dân giảm trong 2 tháng liên tiếp

Ngọc Tâm Thứ Hai | 22/11/2021 12:52

Mức lãi suất hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm. Ảnh: TL.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 8 và tháng 9 tổng tiền gửi của cư dân đều giảm so với tháng trước.
Mức lãi suất hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm. Ảnh: TL.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,55 triệu tỉ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm 2021. Trong đó tiền gử của các tổ chức kinh tế có xu hướng tăng mạnh, ghi nhận mức tăng 7,8% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi của người dân chỉ ghi nhận mức tăng 2,92% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tháng 8 và tháng 9/2021 là 2 tháng liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm của tiền gửi trong cư dân. Cụ thể, cuối tháng 8/2021 tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 5,293 triệu tỉ đồng, giảm 986 tỉ đồng so với tháng 7. Đến tháng 9/2021, tổng tiền gửi của người dân đạt hơn 5,291 triệu tỉ đồng, giảm hơn 1.473 tỉ đồng so với tháng trước.

 

Giới phân tích cho rằng việc lãi suất giảm đang là động lực thúc đẩy nhà đầu tư tham gia các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hoặc vàng. Liên quan đến mặt bằng lãi suất, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá chính sách tiền tệ nới lỏng thận trong của Ngân hàng Nhà nước xuyên suốt từ thời điểm dịch mới bùng phát cho đến nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý IV, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu.

 

Cụ thể hơn, trái với động thái hạ các loại lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2020 (nhằm giảm chi phí vốn cho các ngân hàng thương mại để có thêm điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp), Ngân hàng Nhà nước đã không có lần điều chỉnh lãi suất điều hành nào trong năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên trong quý IV.

Dù vậy, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã công bố việc quay trở lại nghiệp vụ mua ngoại tệ giao ngay (ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn) để có thêm công cụ tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như ổn định tỉ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng.

KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, sẽ khó có thể giảm thêm và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong quý IV trong bối cảnh rủi ro lạm phát trong 1 vài quý tới là hiện hữu và chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước là tương đối thận trọng. Trên thực tế, mức lãi suất hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến 1 lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán…

Có thể bạn quan tâm 

Cuộc "di cư" của dòng tiền trên thị trường chứng khoán


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày