Tài Chính

Top 5 vốn hóa sàn HOSE “bốc hơi” hơn 85.500 tỉ đồng trong 1 tháng

Kim Anh Thứ Hai | 18/07/2022 10:00

Hình ảnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM. Ảnh: KA

Không chỉ “bốc hơi” về giá trị vốn hóa mà số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỉ USD ở sàn HOSE cũng sụt giảm.
Hình ảnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM. Ảnh: KA

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.197,6 điểm, giảm 7,36% so với tháng 5, tương ứng giảm 20,07% so với cuối năm 2021.  Thị trường chứng khoán sụt giảm, giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp cũng bị thổi bay đáng kể. Số liệu từ Website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết tháng 6/2022, trên HOSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD.

Trong đó, 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) và Tập đoàn Vingroup (mã VIC). So với thời điểm cuối tháng 5/2022, số lượng doanh nghiệp có vốn hóa tỉ USD ở sàn HOSE đã giảm 2 doanh nghiệp, đó là bởi sự “rời đi” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã OCB) và Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG). 

 

Không chỉ sụt giảm về số lượng mà giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp tỉ USD cũng “bị cuốn bay” đáng kể, trong bối cảnh thị trường chứng khoán bước vào thị trường “gấu”. 

Tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng giá trị vốn hóa thị trường của 5 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE là gần 1,3 triệu tỉ đồng, giảm 85.592 tỉ đồng so với thời điểm cuối tháng 5/2022. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, tổng giá trị vốn hóa của top 5 vốn hóa sàn HOSE đã giảm 6,2%. 

Trong đó, ghi nhận mức giảm mạnh nhất là “anh em nhà Vin” khi giá trị vốn hóa của Vinhomes và Vingroup giảm lần lượt là 32.658 tỉ đồng và 20.214 tỉ đồng trong tháng 6. Tiếp theo đó là Vietcombank khi giảm hơn 19.400 tỉ đồng về giá trị vốn hóa trong tháng 6. Trong khi đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS, mã GAS) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) ghi nhận mức giảm nhẹ hơn. 

 

Trước sự điều chỉnh của thị trường, không chỉ các “anh lớn” mà nhiều mã cổ phiếu đã ghi nhận mức giảm khá mạnh từ đỉnh. Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát dưới mức tốt dưới mức 4%, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với ROE tương đối cao và P/E tương đối thấp. Thêm vào đó, Mirae Asset cho biết kết quả thống kê của họ cho thấy suất sinh lời của VN-Index có mối tương quan với tăng trưởng EPS. 

Tăng trưởng EPS năm 2022 được công ty chứng khoán này dự báo khoảng 17,5% so với cùng kỳ (phù hợp với mức đồng thuận của thị trường hiện tại là 18%) trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau COVID-19, tuy nhiên, VN-Index lại giảm 20% trong nửa đầu năm. Điều này có nghĩa là, định giá của VN-Index đã chiết khấu đáng kể các rủi ro liên quan đến đình lạm toàn cầu. 

“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Tương ứng vùng P/E hợp lý từ 12,8 - 15,1x, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 – 1.530 điểm trong nửa cuối năm”, Mirae Asset nhận định. 

Dù vậy, công ty chứng khoán này vẫn đánh giá lạm phát và chính sách lãi suất là hai rủi ro chính cần theo dõi trong nữa cuối năm. Thị trường chứng khoán trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng, và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Có thể bạn quan tâm 

Ngược chiều top 10 vốn hóa


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày