Tài Chính

VN-Index sau sốt sẽ sốc

Vũ Hoài Thứ Ba | 03/08/2021 12:30

Theo đánh giá, COVID-19 sớm muộn rồi sẽ qua, thị trường cũng sẽ ổn định trở lại và đặc biệt là nhiều ngành mặc dù có COVID-19 nhưng số liệu tăng trưởng lợi nhuận rất tích cực. Ảnh: Quý Hoà

VN-Index quay đầu điều chỉnh rơi về vùng giá 1.200-1.300 điểm, tạo ra cú sốc lớn với nhà đầu tư. Nhưng đây là xu hướng tất yếu.
Theo đánh giá, COVID-19 sớm muộn rồi sẽ qua, thị trường cũng sẽ ổn định trở lại và đặc biệt là nhiều ngành mặc dù có COVID-19 nhưng số liệu tăng trưởng lợi nhuận rất tích cực. Ảnh: Quý Hoà

Các nhà đầu tư mới tham gia với dòng tiền dồi dào được xem là động lực giúp VN-Index thăng hoa và ghi nhận đà tăng dài nhất trong lịch sử. Kể từ tháng 12.2020, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đã bùng nổ mạnh mẽ. Giá trị giao dịch đẩy lên mức cao khiến sàn HOSE thường xuyên bị quá tải, dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh. 

Từ tháng 3 đến tháng 6.2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã phối hợp với Công ty Cổ phần FPT và các đơn vị liên quan triển khai và kiểm thử giải pháp để xử lý vấn đề này. Vào ngày 5.7, hệ thống giao dịch mới đã chính thức được áp dụng tại HOSE. Hệ thống này có thể xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, gấp ít nhất 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh nghẽn cục bộ. Điều này kỳ vọng sẽ giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc đặt lệnh, từ đó thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường lại diễn biến trái với kỳ vọng khi thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm dưới mức trung bình 20, 30 phiên gần nhất và giảm mạnh so với sự hưng phấn của thị trường vào tháng 5 và tháng 6. Cụ thể, nếu như những phiên giao dịch của tháng 6, nhà đầu tư thường xuyên chứng kiến những phiên khớp lệnh tỉ USD, thậm chí là 1,5 tỉ USD mỗi phiên, thì hiện tại giá trị giao dịch ở sàn HOSE lại thường xuyên duy trì ở mức thấp. 

 

Lũy kế từ đầu tháng 7 đến hết phiên giao dịch 28.7, giá trị giao dịch ở sàn HOSE đạt mức bình quân gần 18.900 tỉ đồng/phiên, giảm hơn 21% so với mức bình quân tháng 6 và giảm 14,2% so với tháng 5. Đặc biệt, từ giữa tháng 7 trở đi, giá trị giao dịch khớp lệnh của sàn HOSE thậm chí còn xuống dưới mốc 15.000 tỉ đồng/phiên, có những phiên chỉ đạt từ 11.000-13.000 tỉ đồng/phiên.

Đi kèm với sự sụt giảm về thanh khoản là sự đi xuống của chỉ số. Cụ thể, sau khi chạm mốc 1.420 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào nhịp điều chỉnh với mức giảm hơn 11% của chỉ số VN-Index (tính đến phiên ngày 28.7).

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách Hội đồng Quản trị HOSE, cho biết: “Từ đầu tháng 7.2021, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Về mặt hệ thống, chúng tôi cũng có đôi chút ngạc nhiên khi hệ thống mới được HOSE đưa vào giao dịch với năng lực xử lý cao hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng thị trường sẽ tiếp đà tăng trưởng để chúng ta có thể chứng kiến những con số giao dịch kỷ lục với hệ thống mới. Tuy nhiên, thị trường lại suy giảm thanh khoản”.

 

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho biết, thanh khoản trên thị trường đã có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Sự chùng xuống này có thể xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư về vĩ mô. Khi dịch COVID-19 bùng phát, các chỉ thị về hạn chế đi lại, giãn cách xã hội đã được áp dụng, từ đó tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề.

“Việt Nam đang ở trong một vùng khá an toàn trong quý II, khi đó thị trường kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục, mọi thứ vẫn tích cực. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã làm thay đổi những kỳ vọng đó. Với những diễn biến tiêu cực của vĩ mô, đâu đó nhà đầu tư đã thận trọng hơn và từ đó việc giải ngân đã không được mạnh mẽ như trước”, ông Minh nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng những vấn đề như vậy sẽ sớm được giải quyết khi kỳ vọng rằng trong tháng 8, Chính phủ sẽ dập được dịch, đặc biệt ở các thành phố lớn. Khi đó, mọi thứ sẽ lại trở lại bình thường, bởi lẽ, lượng margin ở các công ty chứng khoán vẫn đang dồi dào và nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều tiền sẵn sàng đổ vào thị trường.
 

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng sự chùng xuống hiện tại của thị trường chỉ là nhất thời và nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại thị trường. Ảnh: Quý Hoà
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng sự chùng xuống hiện tại của thị trường chỉ là nhất thời và nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại thị trường. Ảnh: Quý Hoà

Theo đánh giá, COVID-19 sớm muộn rồi sẽ qua, thị trường cũng sẽ ổn định trở lại và đặc biệt là nhiều ngành mặc dù có COVID-19 nhưng số liệu tăng trưởng lợi nhuận rất tích cực. Thậm chí trong quý III này, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như thương mại số, bán lẻ, logistics, bất động sản và một số ngân hàng vẫn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận bất chấp COVID-19. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Dragon Capital, VN-Index đã giảm 13-14% so với mức đỉnh nhưng thị trường Việt Nam trưởng thành một bậc. Tuy nhiên, thanh khoản 25.000-30.000 tỉ đồng/phiên tương đương với 130-160% tổng giá trị vốn hóa thị trường HOSE là không thực tế và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài. Thanh khoản HOSE 15.000-17.000 tỉ đồng tương đương với 80% vốn hóa là hợp lý và nên ổn định ở mức này.

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng sự chùng xuống hiện tại của thị trường chỉ là nhất thời và nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước và trở về trạng thái tích cực như giai đoạn cuối tháng 6, khi thị trường liên tục có những phiên đạt mốc 30.000 tỉ đồng mỗi phiên. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hút, đợt điều chỉnh vừa qua định giá nhiều nhóm ngành hấp dẫn hơn, sắp tới là cơ hội cho nhà đầu tư sàng lọc cổ phiếu.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày