Thế giới

Hy Lạp có 48 tiếng để tự giải cứu

Thứ Ba | 23/06/2015 12:25

Châu Âu cho chính phủ Hy Lạp 48 tiếng để thực hiện nỗ lực cuối cùng theo yêu cầu của chủ nợ và chấm dứt 5 tháng đàm phán bế tắc.

Các nhà lãnh đạo 18 nước thành viên eurozone đã nhất trí rằng chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras rốt cuộc đang rất nghiêm túc trong nỗ lực được thỏa thuận sau khi đệ trình các biện pháp cải cách bước đầu đáp ứng các điều khoản của chủ nợ. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm đạt được sự đột phá vào ngày thứ Tư tuần này.

Bản đề xuất mới của Hy Lạp là một bước tiến nhưng rõ ràng vẫn chưa đạt đến những gì mà các bên cần, Thủ tướng Đức Angle Merkel cho biết sau phiên họp khẩn cấp đêm thứ Hai 22/6. Những giờ phút cân nhắc căng thẳng nhất vẫn đang còn ở phía trước.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cho biết, các cuộc đàm phán với chủ nợ sẽ tiếp tục trong 48 giờ tới nhằm đạt được “giải pháp toàn diện và khả thi”. Chính phủ Hy Lạp đặt mục tiêu “sớm có thể tự đứng dậy bằng đôi chân của chính mình”.

Nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ để được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo, Hy Lạp sẽ mất khả năng thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF vào ngày 30/6 tới đây và có nguy cơ phải ra khỏi eurozone.

Thị trường chứng khoán và trái phiếu Hy Lạp ngay lập tức tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 22/6 sau khi Chính phủ nước này đệ trình đề xuất mới, với chỉ số Athens Stock Exchange Index tăng 9%. Lợi tức trái phiếu chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 2 năm giảm 511 điểm cơ bản xuống 23,8% và lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 150 điểm cơ bản xuống 11,2%.

Đà tăng của thị trường chứng khoán Hy Lạp được hỗ trợ từ hy vọng 2 bên sẽ đạt được thỏa thuận sau khi chính phủ Hy Lạp cho biết đề xuất mới bao gồm các biện pháp loại bỏ lựa chọn nghỉ hưu sớm, tăng thuế bán hàng, tăng thuế đối với người có thu nhập trung bình và cao và áp thuế đối với các công ty có thu nhập ròng hàng năm trên 500.000 euro (568.000 USD).

Kể cả khi đạt được thỏa thuận sơ bộ trong tuần này, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras vẫn cần tới sự ủng hộ của Quốc hội - với đa số các nhà lập pháp trong Liên minh Syriza đang phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng như cắt giảm lương hưu.

Về phần mình, Đức vẫn tiếp tục yêu cầu các nhà lập pháp Hy Lạp tiến hành các biện pháp ban đầu bằng việc thông qua những thay đổi về chính sách kinh tế trước khi Hạ viện Đức nhất trí với thỏa thuận hỗ trợ Hy Lạp.

Phan Nguyễn

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày