Thế giới

Tiền tệ châu Á giảm tuần thứ 5 liên tiếp

Thứ Bảy | 04/10/2014 07:56

Đây là đợt giảm dài nhất trong 18 tháng qua của thị trường tiền tệ châu Á.
Có 2 nguyên nhân chính khiến tiền tệ châu Á giảm liên tiếp trong 5 tuần qua. Khả năng Mỹ tăng lãi suất đã kéo giảm dòng vốn vào các tài sản của khối thị trường mới nổi. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm chạp.

Chỉ số đôla châu Á Bloomberg - JPMorgan giảm 0,3% trong cả tuần sau khi xuống thấp nhất 7 tháng vào ngày 1/10.

Trong đó, won của Hàn Quốc giảm giá mạnh nhất với mức giảm 1,6%. Trong ngày 1/10, won từng xuống thấp nhất 6 tháng so với USD ở 1.064,51 KRW sau khi ngân hàng trung ương công bố (BOK) biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 cho thấy, 2/7 thành viên hội đồng đề nghị hạ lãi suất. Đồng won giảm giá cũng một phần vì sản lượng sản xuất bất ngờ giảm và giá tiêu dùng tăng chậm nhất 7 tháng.

Nhân dân tệ và đôla Hong Kong là tâm điểm tiếp theo của thị trường sau khi phong trào biểu tình bùng nổ tại Hong Kong ngay trong ngày đầu tuần. Nhân dân tệ giảm 0,2% tại Thượng Hải trong cả tuần xuống 6,1396 CNY vào ngày 30/9 trước khi Trung Quốc bước vào tuần nghỉ lễ. Nhân dân tệ tại thị trường nước ngoài cũng giảm 0,26% và đôla Hong Kong gần như không đổi ở 7,7587 HKD. Hiện tại, chính quyền thành phố và sinh viên đã đồng ý đi tới đàm phán, nhưng Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong từ chối từ chức theo đề nghị của người biểu tình.

Ngoài ra, đồng rupee của Ấn Độ và rupiah của Indonesia đều giảm hơn 0,7%, đôla Hong Kong giảm 0,4%, peso của Philippines giảm 0,1% và baht của Thái Lan giảm 0,6% so với USD. Việt Nam đồng giảm 0,4%, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6.

Ngược lại, ringgit của Malaysia lại tăng 0,1% trong cả tuần, chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp trước đó do chính phủ tăng giá nhiên liệu lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua để thu hẹp thâm hụt ngân sách.

Sự khác biệt về động lực tăng trưởng giữa Mỹ và châu Á cho thấy, thị trường tiền tệ châu Á có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa, đặc biệt khi Mỹ tiến tới tăng lãi suất sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng tháng trong tháng này.

Tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp chính sách tháng 10. Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ không thay đổi chính sách lãi suất thấp và tuyên bố kết thúc chương trình nới lỏng định lượng. Dự kiến, thị trường tài chính tại Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung sẽ biến động mạnh sau sự kiện này.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày