Thế giới

Toàn cảnh vụ Bạc Hy Lai mất chức và dư luận

Thứ Ba | 03/04/2012 19:13

Dư luận trong và ngoài Trung Quốc vẫn tiếp tục quan tâm tới vụ mất chức Bí thư Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dư luận cũng rất quan tâm tới việc đưa tin không nhất quán xung quanh vụ mất chức của ông Bạc Hy Lai tại quốc gia vốn quản lý khá nghiêm ngặt lĩnh vực này. Tuy mất chức Bí thư Trùng Khánh, nhưng ông Bạc Hy Lai vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị.

Cuộc họp sáng 15/3 tại thành phố Trùng Khánh

Tại hội nghị cán bộ lãnh đạo của thành phố Trùng Khánh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều đã thông báo quyết định của Trung ương Đảng. Theo đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Đức Giang được cử thay thế vị trí của Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Chủ tịch Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm cho biết, lãnh đạo thành phố kiên quyết ủng hộ quyết định của Trung ương đối với ông Bạc Hy Lai.

Thông báo này đưa ra chỉ 1 ngày sau cuộc họp báo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11 hôm 14/3). Ông Ôn Gia Bảo đề cập tới "sự kiện Vương Lập Quân", đồng thời nhấn mạnh tới việc Thành ủy và chính quyền Trùng Khánh phải nghiêm túc kiểm điểm bởi vấn đề này không những thu hút sự quan tâm cao độ của dư luận Trung Quốc, mà cả quốc tế.

Ông Bạc Hy Lai mất chức sau lời khiển trách được đánh giá là bất thường của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về vụ việc liên quan đến nguyên Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân và đó cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đề cập đến "sự kiện Vương Lập Quân" một cách công khai. Cho tới nay chi tiết "sự kiện Vương Lập Quân" vẫn chưa được thông báo, chỉ biết rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã coi ông là "kẻ phản bội đất nước".

Dư luận rất quan tâm tới chi tiết được giới truyền thông đăng tải. Ngày 3/3, khi ra sân bay đón đoàn Trùng Khánh do ông Bạc Hy Lai dẫn đầu về Bắc Kinh dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Hạ Quốc Cường đã có lời chào bí hiểm: Khí hậu Trùng Khánh rất khác Bắc Kinh. Năm nay lạnh tương đối dài ở Bắc Kinh và hiện đang là thời điểm giao mùa. Tôi hy vọng mọi người chú ý giữ ấm, chống cảm lạnh, lưu ý giữ sức khỏe.

Nhiều người tin rằng ông Hạ Quốc Cường không có ý nói về thời tiết tại thời điểm đó. Giới truyền thông cho rằng, người ta không thích việc ông Bạc Hy Lai đưa con trai đến học ở Harrow, ngôi trường tư nổi tiếng nhất Anh quốc, sau đó học tiếp Oxford rồi Havard, cũng là ngôi trường tư nổi tiếng nhất ở Mỹ.

Trong suốt thời gian ông Bạc Hy Lai làm Bí thư Trùng Khánh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo chưa một lần đến thăm thành phố trực thuộc Trung ương này.

Trước khi làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai (sinh tháng 7/1949) từng là Thị trưởng thành phố Đại Liên (từ năm 1993), rồi Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh (2001-2004). Khi là Bộ trưởng Thương mại (từ tháng 2/2004), ông Bạc Hy Lai từng được coi là người cầm lái ngành thương mại Trung Quốc.

Điều đáng nói là trong khi tờ Nhân dân nhật báo chỉ đăng một dòng tin của Tân Hoa xã trên trang nhất, tờ China Daily đăng bài viết chi tiết hơn, thì tờ Thương báo Trùng Khánh cung cấp nhiều chi tiết của cuộc họp sáng 15/3 tại thành phố Trùng Khánh. Các mạng xã hội tràn ngập những bình luận và phỏng đoán, riêng báo chí HongKong cho rằng, ông Bạc Hy Lai phải chịu trách nhiệm trong vụ bê bối của ông Vương Lập Quân.

Tờ thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của tờ Nhân dân nhật báo ca ngợi ông Bạc Hy Lai bởi cuộc nói chuyện thẳng thắn và cởi mở về việc ông Vương Lập Quân đến Tổng Lãnh sự quán Mỹ.

Dư luận cũng rất quan tâm tới bài viết của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình đăng trên tạp chí Cầu Thị số phát hành ngày 16/3, chỉ 1 ngày sau khi ông Bạc Hy Lai bị mất chức Bí thư Trùng Khánh. Trong bài viết của mình, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi phải đoàn kết hơn nữa bởi quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị làm suy yếu bởi sự thiếu nguyên tắc của một số thành viên. Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình còn kêu gọi các quan chức cần làm trong sạch bộ máy sau khi một cán bộ cấp cao bị cách chức.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có hơn 80 triệu đảng viên và trên 3.800 tổ chức Đảng, do đó, việc bảo vệ sự trong sạch của Đảng là một vấn đề vô cùng quan trọng.

Những nhận định khác nhau

Ông Bạc Hy Lai được dư luận quan tâm đặc biệt ngay sau khi nguyên Phó Chủ tịch thành phố kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ hôm 6/2.

Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai được coi là một trong những ứng viên hàng đầu vào Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội 18. Giới phân tích chính trị cho rằng, tuy được đánh giá cao khi làm Bí thư Trùng Khánh, nhưng những nỗ lực làm sống lại tinh thần của Chủ tịch Mao Trạch Đông lại bị coi là một trong những nguyên nhân khiến ông Bạc Hy Lai bị mất chức.

Giới truyền thông phương Tây cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với phong cách dân túy cũng như việc công khai vận động vào Thường vụ Bộ Chính trị của ông Bạc Hy Lai bởi điều đó đi ngược lại nguyên tắc và hệ thống lãnh đạo tập thể đang diễn ra tại nước này. Giới truyền thông Pháp nhận định, ông Bạc Hy Lai bị cách chức vì đã "phạm thượng".

Nhật báo Liberation cho rằng, tại một đất nước mà ổn định và đoàn kết trong Đảng là nguyên tắc tối cao, thì sự thanh trừng này quả là một cơn địa chấn. Nhưng điều đáng nói là những sai lầm của ông Bạc Hy Lai lại đến từ thành tích chính trị của Bí thư Trùng Khánh và đây được coi là "đúng về sách lược, sai về chiến lược".

Theo ông Bạc Hy Lai, quản lý Trùng Khánh nếu thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa dân túy và trấn áp tội phạm kết hợp với ca ngợi thời đại Mao Trạch Đông sẽ được mọi người hưởng ứng.

Nhưng đây lại là những sai lầm nghiêm trọng bởi cho triển khai phong trào hát những bài cách mạng ca ngợi thời đại Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng (1966-1976) sẽ khiến những người từng là nạn nhân của thời kỳ này, nhất là hàng ngũ lãnh đạo khó chịu.

Ngoài ra, chiến dịch trấn áp tội phạm tại Trùng Khánh tuy mang lại kết quả - bắt điều tra 9.000 người, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, thậm chí tử hình 13 người, nhưng lại khiến mọi người nhận ra một thực tế - quan chức cấu kết với xã hội đen để làm giàu và leo cao.

Điều đáng nói là "tàn dư" ở Trùng Khánh lại của 2 người tiền nhiệm hiện đang giữ cương vị cao, đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Hạ Quốc Cường. Tờ nhật báo Les Echos, tờ Le Figaro và Le Monde đều cho rằng, tên tuổi xuất hiện hầu như khắp nơi đến mức thêu dệt thành huyền thoại cũng khiến ông Bạc Hy Lai bị nhiều người đố kị.

Sự ra đi của ông Bạc Hy Lai đồng nghĩa với việc "mô hình Trùng Khánh" đã phá sản và đang có một cuộc chiến giữa phe "đoàn thanh niên" và phe "hoàng tử" trước khi khai mạc Đại hội 18.

Theo giới truyền thông, sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh năm 1977, ông Bạc Hy Lai từng muốn trở thành phóng viên thường trú ở nước ngoài, nhưng sau đó lại theo nghiệp chính trị.

Trong mắt nhiều người, ông Bạc Hy Lai là người biết gây ấn tượng đối với khách nước ngoài bằng cả sức hút cá nhân lẫn sự khôn khéo chính trị. Phong thái thủ lĩnh của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai khiến ông nổi bật trong mắt công chúng, nhưng lại gây lo ngại cho người khác. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông Bạc Hy Lai sa cơ - người ta bực tức trước cách ông Bạc Hy Lai lấy lòng báo chí và tự quảng cáo bản thân; nhiều người cảm thấy bị đe dọa vì họ không thể cạnh tranh theo cách ông Bạc Hy Lai chủ xướng; thậm chí choáng váng trước chiến thuật "vận động quần chúng" của ông Bạc Hy Lai.

Giới quan sát coi ông Bạc Hy Lai là chính khách cao cấp duy nhất dám bộc lộ cá tính mạnh mẽ sau khi ông Đặng Tiểu Bình chết năm 1997. Được biết, sau khi trở lại nắm quyền ông Đặng Tiểu Bình đã phục chức cho ông Bạc Nhất Ba là cha đẻ ông Bạc Hy Lai trở thành một trong những người quyền lực nhất khi đó, được liệt vào nhóm "Bát đại nguyên lão" - 8 người định hình nền chính trị Trung Quốc khi cuộc cải cách mở cửa mới được khởi xướng cách đây hơn 30 năm.

Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc cách chức ông Bạc Hy Lai là thể hiện sự nghiêm minh của cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực, chỉnh đốn, xây dựng Đảng đang được tiến hành tại Trung Quốc. Bởi ông Vương Lập Quân, người từng được coi là cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai là đối tượng đang bị điều tra tham nhũng.

Giới truyền thông đưa tin, ông Vương Lập Quân không những có quan hệ gần gũi với ông Bạc Hy Lai, mà còn là người hùng trong chiến dịch truy quét quan tham và tội phạm ở Trùng Khánh. Cho dù "sự kiện Vương Lập Quân" được giới truyền thông nhắc tới hơn 1 tháng trước, tuy nhiên mãi gần đây ông Bạc Hy Lai mới chính thức lên tiếng về việc này. Nhưng cũng rất ngắn gọn khi trả lời chất vấn giới truyền thông bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11: Bị bất ngờ và không tưởng tượng nổi ông Vương Lập Quân sẽ chạy trốn và cảm thấy mình đã đặt niềm tin nhầm người.

Cách đây hơn 1 tháng (9/2), trước những tin đồn khác nhau xung quanh việc cách chức Phó Chủ tịch thành phố kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo: Ngày 6/2, ông Vương Lập Quân đã vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên và hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc này.

Ông Vương Lập Quân đã ở lại Tổng Lãnh sự quán Mỹ 1 ngày và hôm 8/2, Thứ trưởng Bộ Công an Khâu Tiến đã tháp tùng Giám đốc Công an Trùng Khánh trên chuyến bay từ Thành Đô tới Bắc Kinh.

Tuy xác nhận về sự xuất hiện của ông Vương Lập Quân, nhưng cả Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đều không bình luận và cho biết nội dung của chuyến viếng thăm đột xuất và đặc biệt này. Sự kiện trên xảy ra sau khi ông Vương Lập Quân mất chức Giám đốc Công an Trùng Khánh hôm 2/2

Nguồn CAND


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày