Bất động sản

Sau sàng lọc khắc nghiệt, thị trường xây dựng trong tay các chủ thầu lớn

Vũ Thiện Thứ Ba | 04/01/2022 08:02

Giá cổ phiếu của cả Hòa Bình và Coteccons đều đã tăng mạnh trong vài tháng trở lại đây. Ảnh: Quý Hòa

Dịch bệnh và khó khăn của ngành đã đẩy nhiều chủ thầu nhỏ rời khỏi cuộc chơi và các gói thầu lớn đang liên tục chạy vào tay những doanh nghiệp lớn.
Giá cổ phiếu của cả Hòa Bình và Coteccons đều đã tăng mạnh trong vài tháng trở lại đây. Ảnh: Quý Hòa

4 năm sàng lọc 

Ở giai đoạn hoàng kim này, xây dựng luôn là một chủ đề nóng thu hút truyền thông, các cổ phiếu ngành xây dựng như CTD (Coteccons) hay HBC (Hòa Bình) tăng gần như không có đỉnh, trở thành những blue-chip được nhà đầu tư yêu thích nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, mọi thứ đã xoay chuyển rất nhanh, các quy định pháp lý về bất động sản và sự gia nhập nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp xây dựng mới đã khiến áp lực cạnh tranh của ngành này tăng cao hơn bao giờ hết.

 

“Sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các công ty xây dựng đã khiến các nhà thầu trong nước từ năm 2018-2020 chỉ đạt được mức lợi nhuận rất thấp”, ông Hải nhận định. Mọi thứ được đẩy lên đỉnh điểm trong năm 2020-2021 khi đại dịch lan rộng, gây trì hoãn toàn bộ tiến độ thi công dự án. Và rồi những đợt tăng giá phi mã của nguyên vật liệu trở thành cú giáng mạnh vào triển vọng của ngành xây dựng.

Một ví dụ là Coteccons. Trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội, Coteccons cho biết đã phải đóng cửa hoàn toàn tổng số 30/52 công trình, gây gián đoạn nặng nề hoạt động kinh doanh. Nếu tính riêng năm 2020, Coteccons không ký được hợp đồng mới nào, khiến giá trị backlog lâm vào tình trạng báo động.

Còn theo báo cáo tài chính được công bố trong 9 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ Hòa Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, toàn bộ các chủ thầu lớn như Coteccons, Ricons, Vinaconex hay Hưng Thịnh Incons đều có mức lợi nhuận sụt giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ.

Trải qua 4 năm vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ gần như không còn đủ khả năng tài chính và buộc phải rời bỏ thị trường. Những cái tên ở lại đang được hưởng lợi từ sự phục hồi của toàn ngành. Giá nguyên vật liệu đang hạ nhiệt nhanh chóng, cùng với đó là câu chuyện mở rộng đầu tư công và thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lại sau đại dịch. “Đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành xây dựng trong 5 năm tới”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Còn theo báo cáo tài chính được công bố trong 9 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ Hòa Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, toàn bộ các chủ thầu lớn như Coteccons, Ricons, Vinaconex hay Hưng Thịnh Incons đều có mức lợi nhuận sụt giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ. Ảnh: Quý Hòa.
Theo báo cáo tài chính được công bố trong 9 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ Hòa Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, toàn bộ các chủ thầu lớn như Coteccons, Ricons, Vinaconex hay Hưng Thịnh Incons đều có mức lợi nhuận sụt giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ. Ảnh: Quý Hòa.

Những doanh nghiệp trụ lại hưởng lợi

Bên cạnh áp lực cạnh tranh được giảm bớt từ sự rơi rụng của các doanh nghiệp nhỏ, việc dỡ bỏ quy định cách ly đã giúp tiến độ xây dựng của nhiều dự án trở về trạng thái bình thường. Trái ngược với cả năm 2020 không ký được hợp đồng nào mới, Coteccons đang có những dấu hiệu trở lại đầy tích cực. Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons, cho biết: “Chúng tôi gần đây ký được hợp đồng với khách hàng mới. Những khách hàng cũ cũng quay lại ký hợp đồng để tiếp tục phát triển dự án cùng Coteccons”.

 

Tính đến nay, Coteccons cho biết tổng thầu trúng trong năm 2021 ước đạt 25.000 tỉ đồng, riêng quý IV ước tính đạt 10.000 tỉ đồng. Trong đó, có thể kể đến thương vụ thầu xây dựng 105 căn biệt thự và 1 khách sạn 7 tầng của dự án Sailing Club Signature Resort Ha Long Bay thuộc BIM Land. Thi công phần hầm và công tác chính lô 1-14 tại khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm vào tháng 2/2022.

Hay cái bắt tay với Keppel Land trong vai trò tổng thầu xây dựng của dự án The Infiniti tại Riviera Point và dự án Urban Green hợp tác cùng Kusto Home. Đáng chú ý, trước đó vào quý II/2021, Coteccons cũng đã trúng thầu siêu dự án Ecopark Swanlake Residences với giá trị lên tới 4.000 tỉ đồng. Đây được xem là gói thầu nhà ở dân dụng có giá trị lớn nhất Việt Nam.

Mặc dù khá cẩn trọng với tình hình dịch bệnh, Hòa Bình cũng cho biết dự kiến tổng thầu cả năm 2021 sẽ vượt 30-40% chỉ tiêu ban đầu là 14.000 tỉ đồng và hiện đã vượt khoảng 27% kế hoạch.

Dự án The Peak Garden do Công ty Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư cũng vừa được chính thức khởi công. Với vai trò là chủ thầu chính, Hòa Bình sẽ thi công phần thô và hoàn thiện dự án có quy mô 5,2 ha. Hòa Bình cũng vừa ký hợp tác xây dựng các cụm dự án trọng điểm của Tập đoàn Novaland trong giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Hòa Bình sẽ là nhà thầu chính của các cụm dự án và công trình khách sạn tại Khu đô thị sinh thái Aqua City, NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram trong thời gian tới. 

Gần đây nhất, Hòa Bình cho biết đã được giao thi công các gói thầu xây dựng ở dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 2 và Tổ hợp du lịch Thung lũng Đại Dương, với tổng giá trị các gói thầu gần 417 tỉ đồng. 

Thị trường chứng khoán cũng đã phản ứng rất nhanh với những thông tin này khi giá cổ phiếu của cả Hòa Bình và Coteccons đều đã tăng mạnh trong vài tháng trở lại đây, mang theo kỳ vọng của nhà đầu tư cho sự phục hồi của thương hiệu lớn trong ngành xây dựng. 
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày