Bất động sản

Thủ tướng dự lễ thông xe tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây

Chủ Nhật | 08/02/2015 20:48

Đây là tuyến đường cao tốc quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Sáng nay (8/2) tại ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ thông xe đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Đây là tuyến đường cao tốc quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông mà còn trực tiếp góp phần đẩy mạnh giao thương giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, vùng lân cận, thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh các tỉnh trong khu vực.

Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến 55 km nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ thành phố Hồ Chí Minh nối với quốc lộ 51, khu vực quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư.

Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được thiết kế tốc độ từ 80 km/h đến 100 km/h với quy mô giai đoạn I 4 làn xe, mặt đường rộng từ trên 26m và 2 làn dừng khẩn cấp.

Tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các tỉnh, vùng lân cận từ thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Cụ thể, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Ngã ba Dầu Giây bằng đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20 km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ.

Từ thành phố Hồ Chí Minh đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bằng đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 22 km với thời gian lưu thông khoảng 20 phút và nếu từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu trước đây dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ thì nay đi bằng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, không chỉ rút ngắn khoảng cách còn 95 km mà chất lượng mặt đường tốt hơn, không ùn tắc nên thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút….

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, cán bộ kỹ sư, công nhân lao động ngày đêm trên công trường và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai dự án quy mô lên tới 1 tỷ USD đã vượt tiến độ 1 năm và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt chất lượng cao nhất, tốt nhất từ trước tới nay. Đây cũng là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực và đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:

“Đặc biệt ít ngày nữa thôi, chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công trình đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hoàn thành đưa vào sử dụng cũng là công trình có ý nghĩa tri ân sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào. Đặc biệt là đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này khi tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển một cách bài bản cả về quy hoạch sản xuất công-nông nghiệp, dịch vụ, cả quy hoạch phát triển dân cư và hạ tầng đồng bộ, trong đó đặc biệt lưu ý giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người dân phải di rời đến nơi ở mới để có mặt bằng xây dựng dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hạ tầng giao thông là yếu tố rất quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tôi đề nghị TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các địa phương trong vùng, trong cả nước, bằng mọi nỗ lực của mình, huy động mọi nguồn lực với các hình thức phù hợp huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng - khâu đột phá có ý nghĩa cho phát triển nhanh, bền vững, có ý nghĩa đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Hôm nay một lần nữa tôi lưu ý Bộ Giao thông vận tải phải tập trung chỉ đạo phát triển nhanh hơn nữa đầu tư hạ tầng giao thông. Trước hết trong năm 2015 phải hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hoàn thành giai đoạn 2 đầu tư xây dựng một số tuyến, đoạn quan trọng thuộc dự án đường Hồ Chí Minh để nối thông từ Bắc Bó-Cao Bằng cho đến mũi Cà Mau, đặc biệt là nâng cấp ở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) cũng phải hoàn thành trong năm nay nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân vùng Tây Nguyên”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực với các hình thức đầu tư phù hợp để triển nhanh hơn quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu đưa vào sử dụng khoảng 2.500 km đường cao tốc hiện đại, phục vụ tiến trình phát triển của đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn các tổ chức quốc tế, Chính phủ và nhân dân các nước, trong đó Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng phát triển Châu Á ( ADB ) đã tài trợ vốn ưu đãi để xây dựng thành công dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; mong muốn Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng phát triển Châu Á cũng như các quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam đã, đang và tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn quý báu này.

Dự án đi qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai được chia làm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại của ADB, vốn ODA của JICA và và vốn đối ứng của Việt Nam. 

Theo đó, dự án thành phần I (đoạn An Phú – Vành đai II của thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m và 02 làn dừng khẩn cấp. Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên tới 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường này giai đoạn I cũng gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m và 02 làn dừng xe khẩn cấp. 

Do điều kiện địa chất, thủy văn khu vực xây dựng dự án phức tạp nên trên tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tới 32 cây cầu được thi công theo công nghệ hiện đại và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35 km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao tới 30,5m lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.

Nguồn VOV


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày