Chuyên đề

Tranh Việt đấu giá triệu USD

Hoàng Linh Lan Thứ Bảy | 05/11/2022 08:00

Triển lãm tranh "Tứ kiệt Đông Dương" tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hoà

Dù âm thầm nhưng thị trường tranh của Việt Nam đang trở thành điểm đến nóng của dòng tiền đầu tư trong thị trường nghệ thuật thế giới.
Triển lãm tranh "Tứ kiệt Đông Dương" tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hoà

Đón tôi tại văn phòng làm việc treo đầy tranh trông ra đại lộ Võ Văn Kiệt, “vua hồ tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phúc Sinh, “khoe” chỉ trong tuần này ông đã “mai mối” thành công 4 bức tranh.

Dòng tiền âm thầm

Mỗi bức tranh được ông Thông mua đi bán lại, nếu là tranh phong cảnh thường dao động 40-100 triệu đồng. Với tranh trừu tượng hoặc các bức có tính thẩm mỹ cao hơn, mức giá thường rơi vào khoảng 200-400 triệu đồng. Người mua tranh của ông Thông không chỉ là bạn bè mà còn là đối tác kinh doanh của ông tại Việt Nam và cả nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng có không ít nhà sưu tầm, đầu tư nghệ thuật.

Ông Thông bắt đầu sưu tập tranh hơn 10 năm trước, thời điểm thị trường mỹ thuật trong nước rơi vào trầm lắng, các phòng tranh khắp trong Nam ngoài Bắc đóng cửa. Nhờ vậy, ông mua được nhiều bức tranh đẹp với giá phải chăng. Bộ sưu tập của ông Thông hiện có khoảng 400 bức, đều là các tác phẩm hội họa đương đại.

Ông Thông đặc biệt yêu thích tranh trừu tượng, đặc biệt là tranh của Trần Lưu Hậu. Tuy nhiên, ông là một nhà đầu tư thông minh khi cân bằng giữa sở thích cá nhân và sở thích của người mua - phần nhiều thích tranh phong cảnh. Tại phòng làm việc của ông, dễ dàng nhìn thấy các họa phẩm của những tài năng như Mai Xuân Oánh, Đặng Xuân Hòa, Lưu Chí Hiếu… Các sản phẩm hàng hóa của ông như bao bì cà phê cũng được in hình một họa phẩm. Ông nói rằng, không có gì đẹp hơn bằng việc đưa nghệ thuật vào đời sống để làm đẹp cho cuộc sống. Cũng như ông đến với việc sưu tầm tranh một cách tình cờ, lúc in một bức tranh làm bưu thiếp gửi đến đối tác.

Có độ phổ sưu tầm rộng hơn, ông Hoàng Anh Tuấn, một doanh nhân người Hà Nội bắt đầu sưu tập tranh từ đầu thập niên 1990. Bộ sưu tập của ông Tuấn hiện đã lên đến 500 bức với khoảng 100 tác giả, đa dạng phong cách từ những tên tuổi gắn liền với hội họa Việt Nam như Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, Lê Công Thành… đến các nghệ sĩ định danh tiên phong Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Phạm An Hải, Vũ Thạch Phước, Đỗ Minh Tâm, Trần Trọng Vũ, Nguyễn Văn Cường… cho tới các nghệ sĩ trẻ đương đại mới nổi như Lê Thừa Hải, Nguyễn Đoan Ninh, Hoàng Hải Yến, Nguyễn Nghĩa Cương và Trần Nhật Thăng.

Nhà sưu tập
Nhà sưu tập Phan Minh Thông. Ảnh: TL.

“Tiếp cận mở là một cách của tôi. Những tác giả đã định danh và nghệ sĩ trẻ đều được cân nhắc. Sưu tập tranh khác với mua hàng thông thường, nó có sự kết nối mạnh mẽ và trải nghiệm sâu sắc. Thật thiếu sót nếu đánh mất niềm vui của mình chỉ bởi các tiêu chí cứng nhắc”, ông Tuấn chia sẻ về khuynh hướng sưu tập.

Còn một dòng chảy khác, âm thầm và kín kẽ hơn trong giới sưu tập tranh tại Việt Nam: tranh Đông Dương. Rất nhiều tranh Đông Dương sau thời gian lưu lạc đã “hồi hương”, về tay các nhà sưu tập trong nước. Theo một số nguồn tin, chủ sở hữu bức tranh Chân Dung Cô Phương (Portrait of Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ từng đạt kỷ lục 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá vào tháng 4/2021 tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông là người Việt Nam. Việc nhiều nhà sưu tập Việt Nam góp mặt tại các sàn đấu giá của Sotheby’s hay Christie’s Hồng Kông, Singapore không còn quá xa lạ với giới sưu tập và đầu tư khi thị trường trong nước không đáp ứng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, tranh Việt ngày càng có giá nhưng chắc chắn chỉ có tranh Đông Dương mới có giá cao. Ông lý giải: “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm) là lứa họa sĩ đầu tiên bước ra từ cái nôi đào tạo họa sĩ của cả Đông Dương. Vào năm 1931, một số họa sĩ bắt đầu tổ chức triển lãm tại Pháp và gây tiếng vang lớn.

 

Tranh của họ vừa có bề dày lịch sử vừa có giá trị thời gian. Kỹ thuật là yếu tố khiến tranh của họ có giá trị. Thứ 2, theo thời gian, một số tranh bán ra nước ngoài, tranh trong nước vì nhiều lý do từ thời tiết cho đến chiến tranh… không được lưu giữ nhiều. Trong khi tranh tại nước ngoài được lưu giữ rất cẩn thận. Các nhà đấu giá nhận thấy đây là món mồi béo bở nên liên tiếp đẩy giá khiến nhu cầu sưu tầm ngày càng tăng”.

Chính nhu cầu mua bán, sưu tập tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương tăng cao đã góp phần đẩy giá của dòng tranh này cũng như tranh đương đại. Sau Chân Dung Cô Phương, liên tiếp các bức Dáng Hình Trong Vườn (Figures in a Garden) của Lê Phổ, hay mới đây nhất là Đôi Bờ Sông Hồng của Lê Văn Đệ được bán lần lượt với giá 2,28 triệu USD (cao thứ 2 trong lịch sử đấu giá tranh Việt) và 220.000 EUR (5,4 tỉ đồng).

Tuy nhiên, vì có giá quá cao và các nhà sưu tập phải đối mặt rất lớn với nạn tranh giả, không phải nhà đầu tư nghệ thuật nào cũng có khả năng sở hữu và dám mạo hiểm với dòng tranh Đông Dương hay tranh của các họa sĩ thế hệ kế cận như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... Đó là lý do, nhiều nhà sưu tập hiện nay tìm đến tranh của các họa sĩ đương đại. Một lý do khác quan trọng không kém, như chia sẻ của ông Thông: “Nghệ thuật là sự liên kết và khắc ghi dấu ấn của thời đại. Tôi không tìm thấy được sự kết nối ở những tác phẩm mỹ thuật Đông Dương”.

Sức hút của thị trường tỉ USD

Giới siêu giàu trên thế giới từ lâu đã xem nghệ thuật, trong đó có hội họa là một dạng đầu tư và trú ẩn tài sản. Theo thống kê của Art Market Research vào cuối năm 2021, chỉ số đầu tư xa xỉ (KFLII) của nghệ thuật từ 12 tháng đến 10 năm sẽ tăng từ 13-75% giá trị tài sản. Tại Đông Nam Á, nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ của thị trường mỹ thuật Việt Nam và sức hút của tranh Đông Dương, từ năm 2018, Sotheby’s Hồng Kông đã chính thức mở riêng mảng Việt Nam trong các hạng mục đấu giá.

Xu hướng đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam, dẫu chậm hơn các quốc gia khác trong khu vực nhưng đang được chú trọng. 56 tranh tại triển lãm Hồn Xưa Bến Lạ của nhà Sotheby’s vào tháng 7 năm nay tại TP.HCM hoàn toàn được tuyển chọn từ 200 tranh của gần 10 nhà sưu tập trong nước. Đây là minh chứng cho sự phát triển của dân trí, nền tảng giáo dục cũng như số người có tiền ngày một nhiều hơn, nhu cầu đời sống nghệ thuật cao hơn. “Thay vì treo tranh chép như trước kia, giờ đây người ta bắt đầu có ý thức cần treo một bức tranh đẹp của một họa sĩ. Thay vì sở hữu quần áo đẹp, xe đẹp, trang sức, nhà đẹp, giờ đây người ta có nhu cầu sở hữu những bức tranh đẹp”, ông Thông nói.

 

“Hãy bắt đầu từ giáo dục và sự kiên nhẫn. Nếu bạn là người yêu thích nghệ thuật, thi thoảng hãy mời bạn bè, đối tác đến phòng tranh, cho họ ngắm tranh, xem giao dịch. Tôi tin là không lâu đâu họ sẽ mua tranh. Khi họ mua bức đầu tiên đến bức 10, họ sẽ mua rất nhanh như thể rồ dại cho sở thích đấy cho đến khi nhà chật ra, không treo được nữa thì thôi. Vấn đề là họ phải có cơ hội, có không gian trải nghiệm”, ông Thông nói về cách “giáo dục” thị trường còn non trẻ.

Gần 10 năm qua, ông Thông được giới sưu tầm tranh tại TP.HCM biết đến là người bán tranh có “nghề”. Có những bức vừa mua về nếu sang tay, ông đã “bỏ túi” ngay 25%, thậm chí có bức lên đến 100%. Nhưng cũng có những bức, trả giá bao nhiêu ông vẫn kiên quyết không bán. Ông Thông nói, giá trị của nghệ thuật nằm ở sự hiểu biết, cảm xúc và sự phù hợp với túi tiền của người mua. Ông đặt tầm quan trọng của việc “giáo dục” thị trường và người mua lên hàng đầu thay vì tìm mọi cách bán cho kỳ được một bức tranh.

Ông Nathan Drahi (giữa), Giám đốc Điều hành Sotheby’s châu Á, tại triển lãm tranh Hồn Xưa Bến Lạ.
Ông Nathan Drahi (giữa), Giám đốc Điều hành Sotheby’s châu Á, tại Triển lãm tranh Hồn Xưa Bến Lạ. Ảnh: Quý Hoà

“Người chơi và người bán cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Quan điểm của tôi là bán cho người cần mua, không cố bán cho người muốn bán. Ví như có khách hàng, khi biết rõ tình hình tài chính của họ, tôi khuyên họ chỉ nên mua 1 bức tranh thay vì 2”.

Trong 2 năm 2021-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 nhưng thị trường mỹ thuật Việt Nam vô cùng nhộn nhịp. Tại TP.HCM và Hà Nội có hơn 20 phòng triển lãm mới, đa dạng hoạt động bên cạnh các phòng triển lãm truyền thống tại các bảo tàng, khách sạn hay trung tâm nghệ thuật trước đó. Con số này chưa tính đến các phòng triển lãm không chuyên tại một số không gian kết hợp cùng việc trưng bày các thiết kế thời trang. Một số thành phố mới nổi như Đà Lạt cũng hình thành các khu triển lãm dành cho nghệ thuật.

 

“Các triển lãm và các phòng tranh có nhiều hoạt động dày đặc phản ánh bề mặt của một lực đẩy: số người chơi tranh nhiều lên. Dưới góc độ cá nhân người chơi tranh, việc đó giống như lộ trình đúng để có một thị trường minh bạch, tính thanh khoản và tiến tới một thị trường thứ cấp hoạt động hiệu quả dành cho những người sưu tập”, ông Tuấn nhận định. Với một người mới bước chân vào sưu tập, theo ông Tuấn, nên cân nhắc ở 3 khía cạnh: giá trị nghệ thuật, giá trị thị trường và sự tin tưởng cá nhân. 

Với những bức tranh Đông Dương, để hạn chế nạn tranh giả, cách duy nhất, theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, chính là mời chuyên gia thẩm định riêng cho bức tranh đó. Mặc dù vậy, ông lưu ý nhà đầu tư. “Phải đi từng bước vững chắc. Không phải có tiền mua cái gì cũng được. Phải biết được giá trị bức tranh đó đến đâu. Một số nhà đầu tư có suy nghĩ bỏ chừng đó tiền ra mua tranh để một thời gian sẽ lời gấp đôi, chưa hẳn là như vậy. Mỗi bức tranh có cái duyên của nó. Đấu giá là cái duyên cần 2 người, thích thì nó sẽ lên giá thôi. Nhà sưu tập cần lưu ý, không phải đầu tư là dễ dàng. Cái gì cũng có giá của nó, không nên đi mượn tiền để mua rồi kỳ vọng giá lên gấp đôi”.

Cú ngã ngựa của các nhà đấu giá Việt Nam và những quy tắc của thị trường

Như bất kỳ thị trường hàng hóa nào, thị trường mỹ thuật Việt Nam cũng chịu sự tác động của quy luật cung cầu, cần nơi giao dịch và dòng tài chính. Do đó, theo ông Tuấn, một thị trường nghệ thuật trưởng thành cũng cần đầy đủ các thành tố trưởng thành tham gia. Các gallery nghệ thuật, các triển lãm thôi chưa đủ, mà còn cần có các hội chợ nghệ thuật, các nhà đấu giá và các giải thưởng nghệ thuật. “Đó chính là các hạ tầng căn bản cần thiết phải có và phải được khuyến khích, thúc đẩy cho những thành tố này phát triển. Và với những thành tố tham gia như nghệ sĩ, người chơi tranh, cần niềm tin và minh bạch, nó cần được giám định tính nguyên bản và giám tuyển với các định chế nghệ thuật uy tín”, ông Tuấn nói.

Thực tế, vào năm 2016, Việt Nam lần lượt xuất hiện 4 nhà đấu giá tranh gồm Lạc Việt (Hà Nội), Lý Thị (Lythi Auction) tại TP.HCM, Chọn (Chọn Auction House) và PI Auction House tại Hà Nội. Tuy nhiên, không bao lâu sau sự chào sân này, những ồn ào từ một thị trường non trẻ và thiếu kinh nghiệm xuất hiện. Từ nạn tranh giả, nâng giá cho đến việc người đấu giá “chạy làng” sau khi trả giá cao ngất. Hiện tại, các nhà đấu giá này đều trong tình trạng hoặc chuyển hướng hoạt động theo hình thức bảo tàng, bày bán các sản phẩm liên quan đến nghệ thuật, hoặc đang cố gắng trở lại thị trường sau thời gian thất bại.

Nhà đấu giá là nơi trung gian giữa người mua và người bán một tác phẩm mỹ thuật và là kênh xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thông qua việc cạnh tranh về giá mua, sức mua, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và thị trường nghệ thuật. Tuy nhiên, các nhà đấu giá Việt Nam không làm được điều này. Đây chính là lý do dẫn đến sự thất bại của họ, theo nhận định của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi.

Ông Khôi đặt vấn đề: “Tại sao các nhà sưu tập người Việt không đến nhà đấu giá trong nước mua tranh mà lại ra nước ngoài? Tại sao các họa sĩ, người bán tranh không đem tranh của họ đến? Vì các nhà đấu giá Việt hét giá lên trời khiến người bán tranh cũng thấy như bị lừa. Chưa kể mánh lới, bán tranh cho cò để có giá cao hơn. Nguồn tranh Đông Dương của họ cũng không đa dạng. Một khi đã không chân thật thì nhà sưu tập sẽ tìm mua ở chỗ khác, đó là tất yếu”.

Muốn phát triển, theo ông Khôi, bản thân các nhà đấu giá Việt Nam cần có chiến dịch, đường hướng phát triển rõ ràng, phải có chuyên môn và bỏ ngay ý nghĩ gian dối. Việc nhà đấu giá Sotheby’s mở triển lãm phi thương mại của “tứ kiệt Đông Dương” Phổ - Thứ - Lựu - Đàm tại TP.HCM qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt của giới chuyên môn, theo đánh giá của giám tuyển độc lập Ace Lê, không chỉ thể hiện sự tôn trọng của họ với thị trường mỹ thuật Việt Nam mà còn cho thấy sự đầu tư chiến lược của Sotheby’s tại Việt Nam. “Việt Nam đang là thị trường nghệ thuật tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á. Các nhà sưu tập trong khu vực đã bắt đầu để ý đến tác phẩm của họa sĩ Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư xem tranh Việt như một dạng đầu tư có tính thanh khoản khá cao. Nhưng hiện tại Sotheby’s lại chưa có hiện diện trực tiếp như ở Indonesia, Thái Lan hoặc Singapore”, giám tuyển Ace Lê nhận định.

 

Theo tiết lộ của nhiều người trong giới, đây là lần thứ 3 Sotheby’s có ý định mở văn phòng đấu giá tại TP.HCM vì nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Nếu Sotheby’s vào Việt Nam thành công, cũng như Việt Nam có những bước đi chiến lược phù hợp, đây không chỉ là cơ hội để các nhà đấu giá Việt Nam học hỏi, noi theo và tổ chức lại cho đúng đắn mà còn tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đấu giá quốc tế khác cũng như là đòn bẩy cho sự phát triển của thị tường mỹ thuật Việt Nam.

Với tranh Đông Dương, để tránh nạn tranh giả, trong khi cơ chế pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện, theo ông Khôi, cần có trung tâm tác quyền độc lập hoặc trước khi mua tranh, nhà sưu tập nên tìm đến những nhà thẩm định tranh uy tín để đảm bảo tính nguyên bản của bức tranh. Và các trung tâm này hoặc nhà thẩm định này cũng cần được trả tiền sòng phẳng vì đó là nghề của họ. “Uy tín của nhà thẩm định gắn liền với bức tranh họ thẩm định”, ông Khôi nhấn mạnh.

Với tranh đương đại, là người chú trọng đến sự phát triển của thị trường, từ lúc mới bắt đầu sưu tập, ông Thông đã đề ra những nguyên tắc riêng. Đó là dù thân thiết, ông cũng không bao giờ mua tranh trực tiếp từ họa sĩ mà đều thông qua các gallery. “Làm việc với nhiều gallery, họ đều chia sẻ với tôi một câu chuyện rằng: khi họa sĩ được biết đến một chút thì tự bán tranh trực tiếp, vì nhiều lý do: cả nể vì quen biết hoặc vì thu lợi nhiều hơn khi bán cho gallery. Điều này dẫn đến xung đột với tất cả lợi ích diễn ra. Gallery khó kinh doanh. Họa sĩ không có gallery hỗ trợ cũng khó giới thiệu bản thân đến người sưu tập”, ông Thông nói.

Ông Thông nhấn mạnh tranh của các họa sĩ đương đại Việt Nam sở hữu chất lượng không hề thua kém tranh của các họa sĩ trong khu vực nhưng chính vì thiếu nền tảng, thiếu thị trường, thiếu sàn đấu giá và việc không đặt nặng sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ nên có rất ít họa sĩ tìm được bệ phóng xứng với tài năng của họ. Chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, ở các nước như Philippines hay Malaysia đã xuất hiện những họa sĩ đương đại có tranh đạt mức giá kỷ lục từ 1-2 triệu USD như tranh của Ronald Ventura, nhưng tranh của họa sĩ Việt Nam vẫn chưa vượt qua ngưỡng 100.000 USD.

Để thị trường phát triển, theo ông Thông, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những doanh nhân, các tỉ phú USD yêu thích nghệ thuật, xây dựng các gallery và hỗ trợ nghệ thuật như tại Singapore, Hồng Kông hay Malaysia. Lấy ví dụ website của các ngân hàng UOB hay OCBC giới thiệu nghệ thuật, ông Thông nói nghệ thuật đã đi vào đời sống, hoạt động kinh doanh của họ, trong khi tại Việt Nam, rất hiếm để nhìn thấy điều này.

Ở góc nhìn vĩ mô, cả nhà sưu tập và nhà nghiên cứu đều nhận định, cơ chế pháp lý cần mở hơn, cụ thể trong việc cổ động mở các bảo tàng tư nhân để người dân có cơ hội thường xuyên tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật hơn. Ông Thông hiện đang ấp ủ mở gallery trưng bày và hỗ trợ tác phẩm của các họa sĩ trẻ tuổi.

Về lâu dài, để thị trường mỹ thuật Việt Nam trưởng thành, theo ông Hoàng Anh Tuấn, cần có “các luật để dẫn dòng tài chính trong quốc gia và cả bên ngoài chảy vào thị trường - nó có thể liên quan tới đầu tư của Nhà nước thông qua chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô liên quan tới thuế, tới các định chế khác như ngân hàng và quỹ đầu tư trong việc chuẩn hóa các tác phẩm nghệ thuật như là tài sản có thể thế chấp hay lưu giữ như một tài sản thanh khoản tốt”


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày