Công Nghệ

Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Cổ vũ cho startup

Nhật Quang Thứ Ba | 11/09/2018 09:14

Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về công tác chuẩn bị Diễn đàn. Ảnh: chinhphu.vn

Trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị có nhiều tập đoàn thuộc top 500 thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ.
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về công tác chuẩn bị Diễn đàn. Ảnh: chinhphu.vn

Từ ngày 11 đến 13 tháng 9 tại Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) sẽ được tổ chức với chủ đề ASEAN 4.0: Doanh nghiệp và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Hội nghị sẽ có sự tham dự của 8 lãnh đạo cao cấp nhất của các nước trong khu vực ASEAN: Thủ tướng Campuchia, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Lào, Thủ tưởng Maylaysia, Cố vấn nhà nước Myanmar, Thủ tướng Singapore, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Việt Nam.

Ngoài ra, sự kiện cũng thu hút 900 nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, học thuật và xã hội dân sự, và bao gồm 75 nhà khởi nghiệp đại diện sự năng động và tinh thần kinh doanh trong khối ASEAN.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, những công nghệ mới đang mang đến giải pháp tuyệt vời giải quyết những vẫn đề đã tồn tại rất lâu, tuy nhiên nó cũng làm đang thay đối cấu trúc xã hội và việc làm.

Theo thống kế, lực lượng lao động ở các nước ASEAN tham gia thị trường vào khoảng 11.000 người mỗi ngày và sẽ duy trì trong 15 năm tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của robot công nghiệp với nhiều ưu việt so với lao động phổ thông hay công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) đang đe doạ việc làm trong lĩnh vực dịch vụ. Câu hỏi đặt ra làm thế nào người lao động trong khu vực ASEAN tìm được việc làm trong bối cảnh như vậy?

Thêm vào đó, trong bối cảnh địa chính trị thay đổi trong khu vực và trên thế giới, các nước trong khối đang đối mặt mất đi tiếng nói chung, tầm nhìn chung. Một số nước trong khối mất đi sự đồng thuận và đi thiết lập những mối quan hệ độc lập với các nước khác ngoài khu vực. Điều này đi ngược lại tinh thần thống nhất, đồng thuận của khối ASEAN.

Do đó, các nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực sẽ họp mặt tại Hội nghị này, tập trung bàn về những đổi mới cần thiết để thúc đẩy khu vực tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Cụ thể hơn, chương trình nghị sự bàn thảo về các vấn đề từ tập đoàn công nghệ đến những căng thẳng ở trên Biển Đông, thay đổi địa chính trị của khu vực, những cơ hội và trở ngại lớn phía trước của cuộc cách mạng 4.0 với các nước ASEAN.

Bám sát chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”, với 60 phiên họp, Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng.

Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực sẽ được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững.

Trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị có nhiều tập đoàn thuộc top 500 thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày