Công Nghệ

Trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp nhỏ

Bảo Ngọc Thứ Sáu | 04/05/2018 14:00

Sau thời gian điều hành tour thuê ngoài cho một công ty du lịch nước ngoài, ông Phạm Đình Hà quyết định gầy dựng thương hiệu Unique Tours.

Công nghệ lớn cho công ty nhỏ

Là công ty nhỏ, ngay từ đầu, ông Hà nghĩ tới việc nhờ sự trợ giúp của internet và công nghệ số để hỗ trợ các hoạt động bán hàng, marketing... Điều bất ngờ xảy ra, việc chạy quảng cáo trên các công cụ của Google (Tìm kiếm - Search và Hệ thống mạng lưới các trang web đối tác - Google Display Network) đã mang lại kết quả kinh doanh vượt mong đợi.

Đó là khi doanh nghiệp có khả năng kết nối với người tiêu dùng ngay khi họ tìm kiếm hàng hóa hoặc dịch vụ. Thậm chí, người dùng chưa kịp nhập hết từ khóa trên Google Search thì đã có một loạt đề xuất gợi ý lựa chọn. Đó là một trong những ứng dụng phổ biến và cơ bản nhất của trí tuệ nhân tạo (AI), tiếp cận được suy nghĩ của mọi người tại thời điểm họ sử dụng các công cụ tìm kiếm, like hay chia sẻ. Qua đó, những dịch vụ như Unique Tours được quảng cáo hiệu quả hơn rất nhiều.

AI được tin là công nghệ sẽ làm thay đổi tương lai thế giới. Công nghệ này được các hãng công nghệ đầu tư lớn trong những năm gần đây. Các ông lớn trong cuộc đua này là những cái tên quen thuộc như Google, Baidu, Microsoft, Intel, Apple, Facebook và Amazon. Theo McKinsey & Company, Google và Baidu đã đầu tư vào AI từ 20-30 tỉ USD mỗi công ty trong năm 2016.

Cũng cần nói thêm, công nghệ AI là một hệ thống các thuật toán được lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh của con người. Mục tiêu của AI là tối ưu hóa các quyết định và chọn lựa trên nền tảng dữ liệu lớn. Các lĩnh vực sử dụng AI phổ biến hiện nay là quảng cáo theo phương thức đề xuất quảng cáo đến các đối tượng khách hàng thích hợp (Facebook, Google), hỗ trợ qua giọng nói (Siri, Google Now, Cortana), chẩn đoán y tế, thương mại điện tử (Amazon, Lazada, Tiki), cước phí dịch vụ di chuyển (Uber và Grab)...

Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và sự phát triển của công nghệ phần cứng tạo nền tảng cho công nghệ AI nhận được sự quan tâm rộng rãi. Thậm chí, sự phát triển của AI khiến tỉ phú công nghệ Elon Musk thốt lên: “AI là sẽ mối đe dọa loài người”. Điều mà Elon Musk nói đến là một bước tiến xa hơn của AI trong tương lai khi công nghệ này có thể giúp máy tính nhận thức, lập luận và hành động. Điểm khác biệt trong quyết định của máy móc và con người chính là tính tối ưu hóa chọn lựa của máy tính mà không bị ảnh hưởng bởi cảm tính như con người. Điều này có thể dẫn đến những quyết định thiếu tính nhân văn.

Tri tue nhan tao cho doanh nghiep nho
 

Mặc dù đưa ra cảnh báo nhưng trước khi công ty nghiên cứu AI nổi tiếng DeepMind được Google mua lại vào năm 2014, Elon Musk chính là người đầu tư vào công ty này. Và hệ thống xe không người lái Tesla của ông đã làm thay đổi nền công nghiệp xe hơi, cũng là một phát minh dựa trên nền tảng công nghệ AI. Dù cho có lo ngại khi AI có thể vượt qua sự kiểm soát của con người, công nghệ này là một xu thế tất yếu: 80% các công ty công nghệ đã sử dụng những ứng dụng AI cơ bản vào hoạt động của mình (theo báo cáo của McKinsey).

Người dẫn đầu cuộc đua

Với 40.000 tìm kiếm mỗi giây, Google chính là nơi có lượng dữ liệu thông tin lớn nhất, Big Data là nền tảng cơ bản để xây dựng AI. Google cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh từ nền tảng thiết bị di động sang AI trong năm 2017 (từ Mobile First sang AI First). Nhà sáng lập Google, ông Larry Page, đã phát biểu về công nghệ này: “AI là một phiên bản vô hạn của Google, một công cụ tìm kiếm có khả năng hiểu tất cả mọi thứ. AI sẽ giúp máy tính có thể đưa ra thông tin chính xác với nhu cầu của người sử dụng. Chúng ta chưa thể thực hiện chính xác điều này. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiến rất gần đến việc thực hiện nó và đây chính xác là những gì chúng tôi đang nghiên cứu”.

Apple chính là người bắt đầu cuộc đua AI bằng việc mua lại Siri, ứng dụng hỗ trợ thông qua giọng nói dựa trên AI vào năm 2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Google mới chính là người dẫn đầu trong các thương vụ mua lại các ứng dụng AI, với 14 thương vụ, theo sau là Apple với 13 thương vụ. Tổng đầu tư của Google vào các thương vụ AI là 23,1 tỉ USD chỉ trong năm 2017. Thương vụ nổi tiếng nhất của Google là DeepMind với trị giá 500 triệu USD vào năm 2014.

DeepMind đã thành công ứng dụng AI vào dự báo bệnh mù thông qua phân tích dữ liệu về các bản quét mắt. Một trong những công trình nghiên cứu khác về ứng dụng AI vào y học mà DeepMind đang thực hiện là dự báo ung thư. Cuộc đua trong phân tích dữ liệu để phát hiện ung thư đang rất sôi nổi giữa DeepMind của Google, Microsoft, IBM và NHS. Chiến lược tập trung vào AI của Google còn được thực hiện thông qua hơn 100 dự án khác với các mảng kinh doanh như AdWords, Google Translate, Google Analytics, Gmail, Google Photos, YouTube, Google Maps, Google Play... Một ví dụ điển hình là cách Gmail phân loại thư rác với mức chính xác lên đến 99,9%.

Ông Karim Temsamani, Chủ tịch của Google Đông Nam Á, chia sẻ với NCĐT: “Chiến lược AI First của Google nhằm xây dựng hệ sinh thái máy tính có khả năng nhìn, nghe, nói và hiểu. AI sẽ là nền tảng cho tương lai để phát triển một hệ sinh thái mà chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được tại thời điểm này”. Ông cũng nhận định châu Á sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn đến AI, khi có hơn phân nửa người sử dụng internet là từ khu vực này. Thêm vào đó, dư địa phát triển còn rất lớn khi mới chỉ có phân nửa dân số châu Á tham gia sử dụng internet.

Một trong những ứng dụng AI phổ biến cho đối tác của Google là AdWords, nhằm tối ưu hóa quảng cáo dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á. Dữ liệu của người sử dụng được phân tích, để đưa quảng cáo của đối tác đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng một cách chính xác và phù hợp nhất. Hai nước đông dân số là Indonesia (261 triệu người) và Việt Nam (90 triệu người) với dư địa phát triển internet vẫn còn lớn, đang là mảnh đất màu mỡ để thu thập và phân tích dữ liệu làm nền tảng cho AI.

Nhiều công ty Việt Nam đã phụ thuộc vào AdWords cho việc bán hàng. Vietnam Unique Tours (VUT) cũng là một trong những công ty có doanh số phụ thuộc nhiều vào dữ liệu của Google và cụ thể hơn là AdWords, khi 80-90% lợi nhuận của Công ty có được là từ quảng cáo qua kênh này. Ông Phạm Đình Hà cũng cho biết thành công của VUT phần lớn là nhờ tiếp cận khách hàng trên nền tảng điện thoại di động với 40% yêu cầu thông tin đến từ kênh này. Đơn hàng từ kênh này cũng chiếm 25% số lượng đơn hàng của VUT.

Topica Founder Institutes cũng đang tận dụng AdWords để mở rộng kinh doanh. Ông Phạm Minh Tuấn, từ Topica, cho biết Google hiện chiếm 30% trong tất cả các kênh tiếp thị trực tuyến, đạt tỉ suất hoàn vốn ROI 30%. Topica bắt đầu sử dụng AdWords vào năm 2010. Công cụ này cho phép tính toán chính xác hiệu quả và chi phí của chiến dịch quảng cáo. Dựa trên nền tảng dữ liệu này, Topica điều chỉnh chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh phù hợp với chu kỳ kinh doanh của Công ty. Chiến lược mở rộng xây dựng phần lớn dựa trên dữ liệu từ AdWords, Topica đã mở rộng từ 12 lên 1.000 nhân viên làm việc toàn thời gian trong văn phòng tại Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

“Công nghệ giúp đại đa số chưa phát triển bình đẳng với thiểu số đã phát triển”. Câu nói này của CEO Google đang rất đúng với các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực vươn ra thị trường thế giới


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày