Kinh Doanh

8 tài liệu ngân sách nên công khai

Thứ Năm | 09/10/2014 09:05

Đó là khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác Ngân sách quốc tế (IBP) khi giới thiệu một công cụ trực tuyến là OBS Tracker, ngày 8-10.
8 tài liệu nói trên bao gồm: Định hướng xây dựng ngân sách (chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ); Dự thảo ngân sách (trước khi Quốc hội thông qua); Dự toán ngân sách (sau khi Quốc hội thông qua); Báo cáo thực hiện ngân sách theo quý; Báo cáo thực hiện ngân sách 6 tháng; Báo cáo quyết toán ngân sách tài chính; Báo cáo của kiểm toán Nhà nước về ngân sách; Bản ngân sách dành cho công dân.

Việc công khai 8 loại tài liệu này sẽ đảm bảo công khai, minh bạch hoàn toàn việc phân bổ, sử dụng ngân sách trước người dân.

Theo ông Joel Friedman- chuyên gia cao cấp của IBP, công cụ Theo dõi khảo sát công khai ngân sách (OBS Tracker) nằm trong chương trình Khảo sát về Công khai Ngân sách (OBS), cho phép giám sát gần mức độ công bố thông tin về quản lý tài chính công của chính quyền Trung ương trong suốt chu kỳ tài chính,

OBS Tracker có thể xem xét, theo dõi việc Chính phủ có công bố 8 loại tài liệu ngân sách quan trọng hay không chứ không đánh giá chi tiết những tài liệu này. OBS Tracker sẽ được cập nhật hàng tháng và ban đầu sẽ có 30 nước đại diện cho các khu vực khác nhau, trong đó có Việt Nam.

Được biết, OBS là sáng kiến Công khai Ngân sách đã được IBP phối hợp với các tổ chức xã hội tại hơn 100 quốc gia trên thế giới triển khai thí điểm.

Kể từ năm 2006 đến nay, OBS được thực hiện hai năm một lần. Đây là đánh giá duy nhất trên thế giới có tính độc lập, thường xuyên và mang tính so sánh về sự tham gia, minh bạch ngân sách của một quốc gia.

Kết quả đánh giá được thể hiện qua Chỉ số Công khai Ngân sách (OBI). Chỉ số OBI của các quốc gia dựa trên bộ câu hỏi chi tiết về 8 tài liệu ngân sách cần công bố cho công chúng và nội dung của các tài liệu đó, phù hợp với các tiêu chuẩn của OECD và Hiệp hội Kiểm toán quốc tế INTOSAI.

Với thang điểm 100, chỉ số OBI của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt từ 3 điểm năm 2006 đến 19 điểm năm 2012. Tuy vậy Việt Nam vẫn nằm trong số 36 quốc gia có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng này, đứng sau các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Đông Timo.

Nguồn Báo Hải quan


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày