Kinh Doanh

Chuẩn bị cho đường bay tương lai

Vũ Thiện Thứ Tư | 21/07/2021 08:00

Hàng không chuẩn bị cho những bước phục hồi như trước dịch bệnh. Ảnh: Quý Hòa.

Ngành hàng không được dự báo sẽ sớm phục hồi khi đại dịch được kiểm soát và quá trình toàn cầu hóa trở lại.
Hàng không chuẩn bị cho những bước phục hồi như trước dịch bệnh. Ảnh: Quý Hòa.

"Tôi hy vọng tôi sẽ sai, nhưng có lẽ ngành hàng không sẽ thay đổi mãi mãi”, Warren Buffett trầm ngâm phát biểu tại Đại hội cổ đông Berkshire Hathaway, sau khi huyền thoại đầu tư đã bán hết 6,5 tỉ USD cổ phiếu ngành hàng không hồi tháng 4.2020 trước các lo ngại về đại dịch COVID-19. Hơn 1 năm trôi qua, lời tiên tri của nhà hiền triết xứ Omaha vẫn còn nguyên giá trị, trong bối cảnh ngành hàng không vẫn chưa thoát khỏi cơn bĩ cực chưa từng có trong lịch sử.

Tê liệt và kiệt quệ

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại dịch đã gây ra tổn thất nặng nề cho ngành hàng không, hơn hẳn các cuộc khủng hoảng từng xảy ra trước đó như vụ khủng bố ngày 11.9 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Cụ thể, lượng khách luân chuyển toàn cầu ghi nhận mức sụt giảm đột biến 66% trong năm 2020.

Áp lực này đè nặng lên vai các hãng bay, nhiều tên tuổi nổi tiếng đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản như Virgin Atlantic và Virgin Australia của tỉ phú Richard Branson, hay 2 cái tên lớn khác là AirAsia Japan và Thai Airways International cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Theo IATA, con số thiệt hại trên toàn cầu đến hết tháng 4.2021 đã vượt trên 130 tỉ USD.

 

Ngành hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài áp lực đó, mặc dù được ghi nhận là một trong những nước phòng chống dịch bệnh tốt trên thế giới, nhưng các sắc lệnh phong tỏa đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống hàng không Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách vận chuyển năm 2020 đã giảm hơn một nửa so với năm trước. Trong đó, số khách vận chuyển quốc tế chỉ đạt hơn 3 triệu hành khách, giảm gần 80% so với cùng kỳ.

Bên cạnh nhu cầu vận chuyển sụt giảm mạnh, việc xuất hiện nhiều hãng bay mới là Bamboo Airways và Vietravel cũng làm tăng mức độ cạnh tranh trong ngành. Để tránh mất thị phần vào tay đối thủ, đồng thời kích thích nhu cầu vận chuyển, các hãng hàng không đã thực hiện nhiều biện pháp giảm giá dịch vụ; giá vé trung bình hiện nay chỉ ở mức 70% so với thời điểm trước dịch. Thêm vào đó, đà tăng liên tục của giá dầu đã gây áp lực tới chi phí đầu vào, ảnh hưởng nặng nề đến lợi nhuận của các hãng bay.

Theo báo cáo tài chính được các doanh nghiệp công bố, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ hơn 11.000 tỉ đồng trong năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỉ đồng, lỗ hợp nhất 10.788 tỉ đồng, đối mặt với nguy cơ âm vốn chủ sở hữu và kiệt quệ tài chính. Trong cùng giai đoạn, Vietjet Air hầu như không có lãi hoặc lãi rất ít, chủ yếu do đóng góp từ các hoạt động ngoài cốt lõi.

Tầm nhìn bền vững

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, ngành hàng không được dự báo sẽ sớm phục hồi khi đại dịch được kiểm soát và quá trình toàn cầu hóa trở lại. Theo báo cáo mới nhất của IATA, tổng sản lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không toàn cầu năm 2021 ước tính sẽ đạt 52% so với mức trước dịch, sau đó cải thiện lên 88% vào năm 2022 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2023.

Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia dự báo ngành hàng không Việt Nam sẽ sớm lấy lại mức tăng trưởng ấn tượng trước dịch bệnh, do tiếp tục hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế và tăng trưởng thu nhập.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng thị trường bay nội địa sẽ dần hồi phục trong năm 2021, do các kỳ nghỉ lễ vừa qua không chịu ảnh hưởng từ cách ly xã hội, đồng thời kỳ vọng vào kế hoạch tiêm chủng vaccine trong cuối năm nay của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc mở lại một số đường bay quốc tế và áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với các đường bay quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Agriseco cho rằng ý tưởng này có thể sẽ được Chính phủ Việt Nam chấp thuận khi dịch bệnh trên thế giới dần được kiểm soát vào cuối quý III/2021.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Theo Giáo sư Pier Marzocca, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Vũ trụ và Hàng không thuộc Phân viện STEM, Đại học RMIT, nhìn về dài hạn, để đón đầu tăng trưởng lâu dài và bền vững, ngành hàng không Việt Nam cần nỗ lực nâng cao tầm vóc, cơ sở hạ tầng và sức mạnh nội tại. Trong đó, yếu tố nhân lực đang là một trong những bài toán được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ngành hàng không Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nhân tài “nhập khẩu” cho cả các vị trí chuyên môn và quản lý. Điều này được coi là tốn kém và lãng phí đối với một quốc gia có lực lượng lao động lớn.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho biết: “Thị trường lao động hàng không có phần mở hơn nhưng chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng của nó, cả đầu vào lẫn đầu ra khi ngành hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh như hiện nay”.

 

Cũng quan tâm về vấn đề nhân lực, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng quy mô đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng hàng không cũng như tiềm năng tăng trưởng của các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu cho thấy nhu cầu cao đối với nhân sự liên quan đến các lĩnh vực này. Đà phục hồi sẽ sớm trở lại, tăng trưởng cũng sẽ quay về quỹ đạo trước đây, nhưng để phát triển ngành hàng không một cách bền vững và lâu dài, cần có những đầu tư và quan tâm đúng mực tới nguồn lực kế cận, hệ thống đào tạo nguồn nhân tài đạt chuẩn quốc tế, những con người sẽ vận hành toàn bộ hệ sinh thái ngành trong tương lai.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày