Kinh Doanh

Coteccons - Kusto: Đối tác hữu hảo sang đối đầu căng thẳng

Ngọc Thủy Thứ Hai | 08/06/2020 14:00

Thương hiệu Coteccons từng được Forbes định giá hơn 27,7 triệu USD. Ảnh: Quý Hòa

Sau nhiều năm âm ỉ, xung đột của nhà đầu tư tại Coteccons đã lên tới cao trào và buộc phải có hồi kết.
Thương hiệu Coteccons từng được Forbes định giá hơn 27,7 triệu USD. Ảnh: Quý Hòa

Theo thông tin công bố, Kusto - cổ đông lớn nhất, nắm giữ 18,23% cổ phần ở Coteccons - đã cùng nhóm của mình (như Công ty Kinh doanh và Đầu tư Thành Công, giữ 14,67% cổ phần) chính thức khai hỏa, mở màn cho đợt xung đột nội bộ mới ở Coteccons. 

Xung đột leo thang
Cụ thể, Kusto đã ra thông báo triệu tập Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 13.7 tới, cho mục đích bầu Hội đồng Quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập, để làm rõ các vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan tại Coteccons từ năm 2017 đến nay. 

Theo Kusto, sở dĩ Kusto đơn phương triệu tập Đại hội cổ đông bất thường vì giữa cuối tháng 4 vừa qua, Kusto đã yêu cầu Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát tổ chức họp nhưng không được đồng ý. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên  căng thẳng diễn ra ở Coteccons. Kusto đã từng phủ quyết nhiều vấn đề do Ban lãnh đạo Coteccons đề xuất, như bác bỏ phương án sáp nhập Coteccons và Ricons, dẫn đến xung đột giữa đôi bên ngày càng leo thang...

 


Vấn đề phát sinh khi Kusto cho rằng Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Coteccons sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong cái gọi là “Coteccons Group”. Hay nói cách khác, các cá nhân này đang tạo ra những “sân sau” để đạt những lợi ích riêng mà không có phần của các nhà đầu tư.

Vì thế, Kusto cho rằng, họ không thể tiếp tục đặt niềm tin vào Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Coteccons) và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc). “Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons”, đại diện Kusto nêu rõ.

 


Để đáp trả, trong thông cáo báo chí ngày 3.6, Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Coteccons đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 6, những cáo buộc vô căn cứ của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty”.
Tính từ năm 2017, cổ phiếu CTD đã giảm còn 1/3, về mức 65.000-67.000 đồng/cổ phiếu. Về kinh doanh, dù doanh thu của Coteccons vẫn duy trì trên mức 20.000 tỉ đồng/năm và có những thời điểm tăng trưởng khả quan (như năm 2018), nhưng lợi nhuận đã sa sút.

Căng thẳng sẽ tới đâu?
Hiện tại, trong báo cáo thường niên mới nhất, Ricons đã xóa “Coteccons Group” ra khỏi logo và thay bằng “Since 2004”. Ngoài ra, Ricons cũng hướng tới tạo hệ sinh thái riêng, với các thương hiệu như Ricons, Riland, Rihomes, Rilex, Risa, RiCommerce, QuiHub... Một số thành viên Hội đồng Quản trị ở Ricons vẫn đang là thành viên Hội đồng Quản trị ở Coteccons. Dù vậy, phía Coteccons khẳng định, ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu bất cứ cổ phiếu Ricons nào, còn ông Nguyễn Sỹ Công nắm giữ cổ phần ở Ricons ít hơn rất nhiều so với sở hữu cổ phần tại Coteccons.

 


Vì thế, theo lãnh đạo Coteccons, vu cáo của Kusto về việc ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ. Đối với những cáo buộc liên quan đến số liệu kế toán khả nghi tại Coteccons, lãnh đạo Coteccons cho biết, mỗi năm, báo cáo tài chính của Công ty đều được kiểm toán bởi những đơn vị nổi tiếng trong nhóm Big 4 (PwC, KPMG, EY, Deloitte).

Trước khi xung đột nội bộ nổ ra, thương hiệu Coteccons từng được Forbes định giá hơn 27,7 triệu USD. Các nhà lãnh đạo Coteccons đang lo ngại Coteccons sẽ bị thâu tóm bởi nhóm Kusto. Kusto được biết đến là doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore, thuộc Kusto Group - một tổ chức đầu tư dài hạn tại thị trường Việt Nam trong hơn 10 năm qua với nhiều khoản đầu tư lên tới trên 100 triệu USD. Kusto từng chấp nhận trả giá cao hơn thị giá xấp xỉ 60% để có được sở hữu đáng kể tại Coteccons.
Phía Kusto khẳng định, Công ty đang thực hiện quyền của mình theo đúng điều lệ của Coteccons và pháp luật Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các cổ đông trong và ngoài nước tại Coteccons. Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Coteccons, tha thiết mong các cơ quan có thẩm quyền kịp thời vào cuộc để bảo vệ thương hiệu Coteccons cũng như bảo vệ quyền lợi cổ đông, công ăn việc làm của hơn 30.000 người lao động.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày