Kinh Doanh

Nguy cơ biến mất một thương hiệu điện ảnh

Thứ Hai | 25/09/2017 08:59

Báo Hải Quan

Quá trình định giá Hãng Phim truyện Việt Nam ở mức 32 tỷ đồng, đã từng gây xôn xao dư luận.
Báo Hải Quan

Xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Khi những hãng phim tư nhân liên tục thành lập và hoạt động hiệu quả, thì quá trình cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước rất lúng túng.

Nhìn cảnh tan hoang sau khi cổ phần hóa của Hãng Phim truyện Việt Nam, mà thấy ngao ngán. Chỉ mới 2 tháng đổi tên từ Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, mọi thứ vốn đã ê chề lại càng ngổn ngang hơn.

Quá trình định giá Hãng Phim truyện Việt Nam ở mức 32 tỷ đồng, đã từng gây xôn xao dư luận. Còn giờ đây, thực trạng nhân lực của đơn vị điện tử một thời lừng lẫy này, lại phát sinh không ít mâu thuẫn.

Hôm 16/9/2017, các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí. Trong cuộc gặp gỡ có đại diện của Hội Điện ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại hãng. Các nghệ sĩ cho biết họ ủng hộ chủ trương cổ phần hóa, nhưng họ bất bình vì quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Họ đã im lặng một thời gian để nghe ngóng tình hình, quan sát quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên sau 2 tháng cổ phần, họ khẳng định cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng. Đạo diễn Thanh Vân cho biết: "Chúng tôi đã đề xuất lập một Hội đồng thẩm định kịch bản nhằm tư vấn cho lãnh đạo công ty cổ phần. Ban đầu họ đồng ý, nhưng khi chúng tôi đưa dự án thì họ gạt đi, chứng tỏ họ không hề muốn sản xuất phim".

Không chỉ vậy, các nghệ sĩ phản ảnh việc sửa chữa lại cơ sở vật chất hãng phim hiện nay không phục vụ cho việc sản xuất phim, mà một số địa điểm đắc địa của dãy nhà số 4 Thụy Khuê đã được cho thuê bán phở và chân gà nướng. Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn bức xúc: "Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nếu không sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Còn nhiều đơn vị nhà hát khác đang nằm ở khu đất vàng, biết đâu sẽ có ngày bị như Hãng phim truyện Việt Nam. Trong khi Hàn Quốc lấy văn hóa làm động lực thúc đẩy kinh tế thì ta “phú quý giật lùi”. Bao nhiêu năm chỉ chú trọng kinh tế thôi, chà đạp lên nhau để kiếm được USD thì thế hệ sau sẽ phải trả giá rất đắt. Bằng cách để mặc chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải tự kiếm sống nuôi nhau, lãnh đạo công ty cổ phần những tưởng chúng tôi sẽ chán nản mà bỏ đi. Họ nhầm, chúng tôi từ lâu không sống bằng tiền lương ở đây, chúng tôi ở lại đây vì còn yêu hãng. Chúng tôi vẫn sẽ trụ lại".

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh” và hiện tại đang là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thổ lộ: Bây giờ hãng phim tư nhân thì nhiều, thậm chí ngay cả bà và nhiều nghệ sỹ khác đều có một hãng phim riêng nhưng tất cả, vẫn tha thiết vực dậy một “số 4 Thụy Khuê” bởi vì họ coi nó là một địa chỉ văn hóa, nó là một phần lịch sử đồng hành với đất nước này. Một cái áo may mới thì không khó nhưng một cái áo mang tính lịch sử thì kiếm không phải là dễ. Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, thì nước mình đâu phải nghèo tới mức phải xóa sổ đi một địa chỉ văn hóa lừng lẫy một thời và việc cổ phần chính là thay đổi thể chế bên trong để làm rạng rỡ cái tên cũ mà thôi. Vì thế, không ai phản đối cổ phần. Anh em nghệ sĩ số 4 Thụy Khuê và cả những người đau đáu vì nó cần một người minh mẫn, có tài thao lược để mang lại cho hãng phim đã cũ kỹ già nua một sự tươi trẻ, để lại thấy không khí làm việc với những tác phẩm ra đời rầm rập như ngày xưa… Nghệ sỹ khao khát điều đó chứ không cần ai đó đi vào số 4 Thụy Khuê để mở những karaoke nhà hàng…, những thứ mà hiện đầy rẫy ra ở xã hội. Chính vì thế, nghệ sỹ điện ảnh ở riêng số 4 Thụy Khuê và nhiều người quan tâm tới nó mong mỏi rằng sự cổ phần phải thật công bằng, công minh và sáng suốt. Người cổ đông, là doanh nhân nhưng phải yêu mến và trân trọng ngành nghề mà người ta đổ tiền của công sức vào. Như ban lãnh đạo mới hiện nay, khi tiếp quản, phải vạch ra phương hướng hoạt động cho những năm tới, gần là 3 năm, xa là 10 năm, anh em nghệ sỹ ai cũng sẵn sàng chịu khổ, vất vả nếu hiểu rằng, phía xa kia là một tương lai rộng mở, được làm phim, được phát triển điện ảnh trên chính số 4 Thụy Khuê ngày nào cũng như nuôi sống được bản thân, chứ không thể bị thương mại hóa kiểu rẻ rúng như Nghệ sĩ Nhân dân Minh Châu đau đớn kêu lên: "Hãng Phim truyện Việt Nam không thể trở thành nơi cho thuê, nhà hàng ăn uống, khách sạn được. Các nghệ sĩ thực sự rất nhục. Đó là địa chỉ văn hóa, là nơi các nghệ sĩ tự hào. Người ta có thể nhảy vào những chỗ khác để kinh doanh, nhưng nơi ấy thì chúng tôi không thể chấp nhận".

Nếu không có sự quản lý và điều hành khéo léo, chút hào quang xưa cũ của Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ nhanh chóng tan thành mây khói! Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhấn mạnh rằng, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không thể tiếp tục hứa suông với những nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam, sau khi đã trở thành cổ đông lớn nắm quyền điều hành: “Nếu cổ phần đúng, đúng cam kết thì đã không có tình trạng liên tục xảy ra tiếng kêu cứu của nghệ sĩ như hiện nay. Ban giám đốc mới đang bộc lộ rõ sự thất hứa, “ăn xổi ở thì”, thiếu định hướng nếu không nói là âm mưu không làm phim nữa cũng như thái độ thiếu trân trọng với nghệ sỹ, với những di sản văn hóa mà các nghệ sỹ đời trước để lại. Chúng ta hiện có thị trường cho điện ảnh, cần một người thức tỉnh nghệ sỹ đổi mới, dám hy sinh, dám xông pha lời ăn lỗ chịu cộng thêm thương hiệu úy tín ở mảng phim nhà nước đặt hàng thì tôi nghĩ, hãng phim có cơ hội. Ngoài ra, nhà nước đã trang bị cho hãng bao nhiêu trang thiết bị, hơn hẳn nhiều hãng tư nhân “tay không bắt giặc”. Sẵn nong sẵn né và chỉ thiếu một người cầm đầu đủ tầm, đủ tâm làm đầu tầu!”

Nguồn Báo Hải Quan


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày