Kinh Doanh

Phục hồi kinh tế đứng trước khủng hoảng lao động

Hoàng Hà Thứ Hai | 27/09/2021 07:30

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, đối với thị trường lao động, đại dịch đã gây nên thiệt hại khổng lồ về thời giờ làm việc và thu nhập. Ảnh: Quý Hoà

Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu...
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, đối với thị trường lao động, đại dịch đã gây nên thiệt hại khổng lồ về thời giờ làm việc và thu nhập. Ảnh: Quý Hoà

Ngóng công nhân trở lại Thành phố

Theo ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty Mekong Herbals, Công ty cố gắng duy trì một bộ phận lao động ít ỏi hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” để duy trì đơn hàng nhưng do lực lượng lao động quá mỏng nên năng suất không cao và hoạt động chắp vá. “Phải sang năm 2022 mới có thể phục hồi được nguồn lao động và trở lại trạng thái hoạt động bình thường như năm 2019”, ông An nhận định.

Tương tự, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50%. Dự báo, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn cả nhóm lành nghề.

Tình trạng thiếu lao động đang diễn ra gây trở ngại cho doanh nghiệp trong kế hoạch phục hồi kinh tế. Nguyên nhân là khi dịch bệnh bùng phát, một bộ phận lao động đã di chuyển về quê. Bên cạnh đó, do yêu cầu phòng chống dịch nên người lao động muốn di chuyển từ các địa phương khác đến làm việc phải tiêm vaccine.

Mặt khác, chứng kiến rủi ro khi dịch bệnh diễn ra, nhiều lao động sau khi về quê không muốn quay lại thành phố. Vì vậy, thời điểm này, các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM vốn thiếu hụt lao động nay lại càng thiếu trầm trọng hơn, thậm chí đối mặt với tương lai “chảy máu lao động” có tay nghề.

 

“Nếu TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10, rất khó để công nhân quay trở lại làm việc. Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang được áp dụng tại nhiều địa phương là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế. Tôi cho rằng, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng 35-37%”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhận định.

Thiếu tiền, thiếu cả lao động

Trong bối cảnh nhiều địa phương phía Nam rục rịch mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp đề xuất giải pháp điều chuyển những lao động đang nghỉ việc do các công ty, nhà máy ngừng hoạt động sang các doanh nghiệp đang thiếu nhân sự. Tuy nhiên, giải pháp này không giải quyết triệt để vấn đề mà doanh nghiệp đang đối mặt.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết, doanh nghiệp hội viên đã chủ động tìm phương án sống chung với môi trường có COVID-19, quan trọng nhất là xây dựng trạm y tế tại chỗ. Tuy nhiên, thiếu hụt lao động lại là một vấn đề nan giải khác. “Nhiều doanh nghiệp có 70-80% người lao động ở ngoại tỉnh nhưng không phải tỉnh nào cũng được ưu tiên phủ vaccine sớm khiến việc tập hợp nhân công không dễ”, ông Phương cho biết.

 

Trong khi đó, TP.HCM đang ở tình thế “không thể không mở cửa” sau thời gian dài thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch bệnh. Bởi vì, nếu không phục hồi kinh tế, hệ lụy đối với việc tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sẽ không thể diễn ra nhanh chóng do thiếu hụt nguồn lao động và tài chính bị cạn kiệt.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, cả TP.HCM lẫn doanh nghiệp không còn nguồn lực, sau nhiều tháng giãn cách, doanh nghiệp đã kiệt quệ. TP.HCM cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy... Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến cuối năm, thành phố cần gần 150.000 vị trí việc làm.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, đối với thị trường lao động, đại dịch đã gây nên thiệt hại khổng lồ về thời giờ làm việc và thu nhập. Lao động tại những khu vực này có thể bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phục hồi này, gây gia tăng bất bình đẳng nếu không triển khai các biện pháp khắc phục.

TP.HCM cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy...
TP.HCM cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy...Ảnh: Quý Hoà

Nếu thiếu các chính sách phục hồi lấy con người làm trung tâm giúp sớm cải thiện tình hình, thì triển vọng phục hồi trong năm 2021 sẽ chậm, không đồng đều và không chắc chắn. Vì vậy, Tiến sĩ Lê Thị Thúy Loan, chuyên gia lĩnh vực tài chính và lao động, cho rằng Nhà nước cần có chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động để họ yên tâm quay lại làm việc và bổ sung nguồn lao động mới. Chẳng hạn, Nhà nước có chính sách cho công nhân trở lại các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Còn phía doanh nghiệp, cách thu hút tốt nhất là đãi ngộ bằng lương và phụ cấp. 

Mặc dù vậy, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty U&I Group, cho rằng sau dịch, các nhà máy tuyển dụng được lao động rất khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến việc nếu các nhà máy vẫn vận hành theo cách làm cũ và không thay đổi nhiều về công nghệ thì chắc chắn sẽ thiếu lao động. “Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ thiếu lao động, như vậy công đoạn nào có thể thay thế cần phải được thay bằng robot. Đây là lúc doanh nghiệp đầu tư ngay cho tự động hóa dây chuyền sản xuất nếu muốn giữ được nhịp sản xuất như trước đây”, ông Tín cho biết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày