Kinh Doanh

SASCO có gì hấp dẫn?

Thứ Hai | 25/08/2014 06:44

SASCO đang nắm vị thế độc quyền tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng với các nguồn thu khá đa dạng.
Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) sẽ đấu giá chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) 23,65% cổ phần vào ngày 18/9 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty chứng khoán HSC vừa có những đánh giá ban đầu về phiên IPO với nhận định sẽ hấp dẫn nhà đầu tư vì Công ty (1) có vị thế độc quyền cung cấp dịch vụ tại Sân bay Tân Sơn Nhất (2) có khả năng tăng cường và mở rộng dịch vụ và cải thiện tỷ suất lợi nhuận (3) có danh mục các tài sản cho thuê và có lẽ là có cả đất.

SASCO quản lý toàn bộ dịch vụ tại sân bay và cũng đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khách sạn và bất động sản tại các địa điểm khác
SASCO được thành lập năm 1993 và trụ sở chính nằm tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Mảng kinh doanh cốt lõi là quản lý toàn bộ các dịch vụ tại Sân bay Tân Sơn Nhất: cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng bán lẻ và mặt bằng quảng cáo tại trung tâm thương mại cho các doanh nghiệp khác; Điều hành cửa hàng miễn thuế, nhà hàng, phòng chờ VIP của riêng công ty; Cung cấp dịch vụ lữ hành và vận tải; Sắp tới sẽ bao gồm cả cung cấp nhiên liệu cho các đơn vị chuyên chở hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã mở rộng hoạt động ra Phú Quốc, Đà Lạt, Khánh Hòa ở lĩnh vực nhà hàng khách sạn (quản lý khách sạn, khu nghĩ dưỡng và nhà hàng) và BĐS (dịch vụ cho thuê văn phòng và đầu tư). Thương hiệu được biết đến nhiều nhất của công ty gồm có SASCO Duty Free Tân Sơn Nhất, BOOM Space, SASCO Travel, SASCO Blue Lagoon Resort và Viet Spa.

Công ty có một công ty con là CTCP Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất – Tapetco (65% cổ phần) và 4 công ty liên doanh, liên kết - chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn.

Tapetco hiện mới thành lập và chưa đem lại doanh thu đáng kể. Lĩnh vực kinh doanh chính của Tapetco là cung cấp nhiên liệu cho các đơn vị chuyên chở hoạt động tại Sân bay Tân Sơn Nhất. SASCO dự kiến Tapetco sẽ đem lại doanh thu từ cuối năm nay hoặc đầu 2015.

Hiện SASCO là đơn vị 100% thuộc sở hữu của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) với vốn điều lệ là 1.315 tỷ đồng.

Kế hoạch IPO của SASCO
Kế hoạch IPO của SASCO
Nguồn: HSX/HSC

Kế hoạch tăng trưởng doanh thu 1,0% và lợi nhuận trước thuế 47,2% trong năm 2014

SASCO mới công bố kết quả kinh doanh công ty mẹ từ năm 2011-2013 và kế hoạch cho năm 2014. SASCO chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất nhưng Tapeco chưa có doanh thu đáng kể nên kết quả kinh doanh hợp nhất của SASCO sẽ tương đương công ty mẹ.

Trong năm tài chính 2012-2013, SASCO ghi nhận doanh thu đạt tốc độ tăng trưởng CAGR là 8,4% và lợi nhuận trước thuế CAGR tăng 16,2%.

Nguồn: HSX/HSC
Nguồn: HSX/HSC

SASCO đã đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ năm 2014 là 2.028 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 1,0% trong khi lợi nhuận trước thuế là 180 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2%. HSC đánh giá kế hoạch doanh thu là hơi thận trọng trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơi tham vọng.

Trong 3 năm tới sau IPO, SASCO ước tính sẽ đầu tư khoảng 589,9 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản cho các các dự án đang triển khai và 115 tỷ đồng cho việc mua sắm máy móc và trang thiết bị.

Công ty có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào các dự án khách sạn và khu du lịch sinh thái ở Phú Quốc hoặc ở Đà Lạt để nâng cao chất lượng dịch vụ và hàng hóa cung cấp cũng như mở rộng mạng lưới phân phối hiện tại trong vòng 3 năm tới.

3 đối tác chiến lược liên quán tới IPP

Theo tài liệu công bố thông tin về IPO, nhà đầu tư chiến lược đăng ký và được chấp thuận sẽ là những công ty liên quan đến Tập đoàn Imex Pan Pacific của "ông trùm" đồ hiệu Việt Nam Jonathan Hạnh Nguyễn gồm: Công Ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP); Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty TNHH Thời Trang và Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC).

Theo đó, SASCO sẽ bán 21,04 triệu cổ phiếu, tương đương 16% cổ phần cho IPP; 6,76 triệu cổ phiếu, tương đương 5% cho DAFC và 3,42 triệu cổ phiếu, tương đương 2,6% cho ACFC. Giá bán cho đối tác chiến lược vẫn chưa được quyết định. Nếu giá bán cho đối tác chiến lược bằng với giá đấu giá khởi điểm là 10.000đ/cổ phiếu thì 3 nhà đầu tư chiến lược sẽ cần ít nhất 310,3 tỷ đồng để mua 23,6% cổ phần của SASCO.

IPP là doanh nghiệp Việt Nam phân phối các tên tuổi nổi tiếng như Moet-Hennessy, Remy Cointreau & Camus; và cũng là nhà phân phối độc quyền của Chanel tại Việt Nam. Công ty cũng kinh doanh nhượng quyền một số chuỗi nhà hàng như Thai Village và Illy Café tại Việt Nam. IPP có kinh nghiệm phong phú về kinh doanh, quản lý các siêu thị miễn thuế và các trung tâm mua sắm thời trang cao cấp. IPP hiện là nhà cung cấp của SASCO đối với các sản phẩm cao cấp bán tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiếp theo ACFC là nhà phân phối độc quyền các nhãn hiệu thời trang như Nike, Tommy Hilfiger, CK, Diesel, Tumi tại thị trường Việt Nam. Công ty hiện có một chuỗi gần 80 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Cuối cùng là DAFC, được biết đến với vai trò là nhà phân phối các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry, Bulgari, Bally, Lancôme, và Biotherm tại Việt Nam.

SASCO mong đợi các đối tác chiến lược này sẽ giúp cải thiện đáng kể kinh nghiệm hệ thống bán lẻ và cũng như kinh nghiệm về cung cấp dịch vụ ăn uống tại sân bay.

Sự lựa chọn đối tác chiến lược trên đây là điều cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh chính của SASCO, nhằm mục đích là để cung cấp tốt nhất các dịch vụ tại sân bay. Việc bổ sung thêm các điểm kinh doanh hàng miễn thuế với một số hoặc toàn bộ thương hiệu kể trên đây sẽ làm tăng đáng kể lựa chọn mua sắm tại sân bay cho khách hàng.

HSC đánh giá hiện nay các điểm kinh doanh hàng miễn thuế tại các sân bay Việt Nam có vẻ còn nhiều hạn chế và manh mún nếu so với các sân bay khác trong khu vực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có lẽ là vì sự hạn chế về diện tích do diện tích dành cho kinh doanh bán lẻ tại các sân bay là khá nhỏ và có vẻ hiện tại là đã được lấp đầy.

Các khoản phải thu quá hạn là 295,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2013 của công ty mẹ, HSC được biết công ty mẹ đã trích lập những khoản dự phòng cần thiết cho các khoản phải thu dài hạn, khoản phải thu này là 295,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin tài chính về xác định giá trị doanh nghiệp được cung cấp trong Bản công bố thông tin thì SASCO đã xử lý tài chính bằng cách ghi nhận khoản này trở lại bảng cân đối kế toán dưới dạng mục phải thu dài hạn và chưa trích lập dự phòng. Điều này có nghĩa là sau khi IPO, công ty mẹ sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho khoản này.

Hiện nay, HSC chưa có thêm thông tin về cách xử lý cho khoản phải thu này từ SASCO.
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2013, HSC nhận thấy các khoản phải thu dài hạn này bao gồm 265,3 tỷ đồng liên quan đến khoản chi hộ cho Công ty Liên Doanh Nhà Việt (Viet Home GMBH), một công ty con của SASCO và 30 tỷ đồng còn lại liên quan đến khoản góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng vào Tracimexco.

Cả hai khoản phải thu này đều đã quá hạn hơn 3 năm và được coi là các khoản phải thu khó đòi. Do vậy theo nguyên tắc kế toán, công ty phải trích lập 100% dự phòng rủi ro cho khoản này.

HSC cho rằng có lẽ công ty sẽ xin hướng dẫn từ chính phủ trong việc xử lý khoản phải thu khó đòi này. Một trong những cách giải quyết có thể là SASCO sẽ phải trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn trên qua vài năm tới. Tuy nhiên, công ty phải đảm bảo rằng công ty tuân thủ theo các nguyên tắc kế toán và nguyên tắc thuế.

Tóm lại, HSC đánh giá IPO của SASCO có vẻ khá hấp dẫn, tuy nhiên mức độ hấp dẫn còn phụ thuộc vào chiến lược mở rộng của công ty sắp tới. SASCO là công ty hàng đầu trong lĩnh vực này và cũng là công ty có đóng góp đáng kể cho tổng công ty ACV.

Cả SASCO và ACV đang nắm vị thế độc quyền tại sân bay cùng với các nguồn thu khá đa dạng. Tỷ suất lợi nhuận gộp có vẻ đang cải thiện và HSC thấy rằng công ty còn có triển vọng trong việc cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến khoản phải thu khó đòi sẽ là một lo ngại, ít nhất là tại thời điểm này, bởi vì công ty sẽ phải xử lý vấn đề này sớm sau IPO.

Việc tham gia của nhà đầu tư chiến lược sau IPO có thể sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu. Trong khi đó, HSC cho rằng công ty có thể hiệu quả hơn về quản lý chi phí và trông đợi vào việc mở rộng hoạt động vào thị trường mới như Phú Quốc và Đà Lạt sắp tới.

Nguồn Theo DVO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày