Kinh Doanh

Xuất khẩu thịt heo tìm chiếc vòng truy xuất

Đức Tài Thứ Bảy | 16/12/2017 08:30

Truy xuất nguồn gốc heo sẽ góp phần giúp cho việc quản lý chất lượng nguồn thịt heo hiệu quả hơn.

Vì sao giá thịt heo ở Mỹ lên cao kỷ lục

“Đại phẫu” ngành chăn nuôi heo


Lòng vòng vòng truy xuất

Ông Ngọc Quý, một chủ trại heo tại huyện Củ Chi, TP.HCM, hẹn thương lái tới mua heo những ngày đầu tháng 12. Sau khi thương lượng giá bán thành công, thương lái bắt heo. Những con heo sau khi cân xong, được đeo vòng vàng có mã QR Code ở 2 chân và được tiêm một mũi thuốc và lùa lên xe chở đi. Chuyến này, ông Quý bán được 50 con với giá 26.000 đồng/kg so với giá bán trước đây là 31.000 đồng/kg.

“Mình không có vòng nên không tự đeo và điền thông tin được, lái có vòng sẽ đeo và bổ sung thông tin trong đó. Tất cả do họ quyết định, mình chỉ bán”, ông Quý chia sẻ. Trong khi đó, người thương lái cho biết: “Vòng thì có tiền là mua được, giá 6.000 đồng/cái, thêm 200.000 đồng tiền công mua giúp. Hoặc cứ mua 1 thùng, mỗi thùng 500 cái, mua lần 2-3 thùng”. Đây chính là con đường mà thương lái “lách” các quy định về truy xuất nguồn gốc, có thể đưa thịt heo “bẩn” ra thị trường.

Vụ phát hiện 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á đã làm cho nhiều người tiêu dùng hoang mang. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ra lời “tuyên chiến” với cách kinh doanh thiếu đạo đức này.

Trước đó, theo quy định từ tháng 10, các sở ngành chức năng thực hiện việc “không cho phép thịt heo không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định” vào 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Hóc Môn, Bình Điền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, tỉ lệ thịt heo truy xuất được nguồn gốc vào 2 chợ đầu mối vẫn thấp.

Xuat khau thit heo tim chiec vong truy xuat
 

Rõ ràng, còn rất nhiều khó khăn để thực hiện quy định cũng như tồn tại nhiều kẽ hở để gian thương lợi dụng. “Lâu nay, người nuôi đã không dùng chất cấm, nhiều vấn đề bắt nguồn từ thương lái”, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, Giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai), cảnh báo. “Thương lái không chỉ tiêm 1 mà đến 2 lần, đầu tiên là tiêm để vận chuyển nhằm tránh cho heo giẫm đạp và cắn nhau, sau đó tiêm lúc giết mổ để heo không giãy mạnh gây gãy xương, bầm thịt. Tất nhiên, người bán không thể can thiệp do heo đã bán hoàn toàn cho thương lái”, ông Bình giải thích thêm.

Tình trạng trên đe dọa tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thịt heo Việt Nam. Ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỉ USD với 10 ngành hàng chủ lực, nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu thịt heo của Việt Nam từ nhiều năm nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, việc truy xuất nguồn gốc không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của người chăn nuôi cho thị trường trong nước, mà còn đáp ứng các yêu cầu để đưa thịt Việt Nam ra thị trường thế giới.

Quyết định tương lai của ngành chăn nuôi

Chăn nuôi heo có tốc độ phát triển nhanh nhưng đến nay Việt Nam hầu như chưa thể xuất khẩu. Với sản lượng trên 4 triệu tấn thịt heo hơi/năm nhưng Việt Nam xuất khẩu mỗi năm chỉ được 20.000 tấn heo sữa. Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á, cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc bởi 3 quốc gia này gần Việt Nam và nhu cầu thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường khó tính, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, ký kết các hiệp định song phương, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng cho biết mục tiêu đưa sản phẩm thịt heo Việt Nam ra thị trường có tiêu chuẩn cao.

Vấn đề là cả nước có trên 2.000 lò mổ, chủ yếu là thủ công. Heo mổ xong đem ra chợ bán cho người tiêu dùng mà thiếu các khâu kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Truy xuất nguồn gốc heo là giải pháp lớn cho vấn đề này, dù bước đầu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trung bình mỗi ngày, sức tiêu thụ tại TP.HCM ở mức 9.600-10.000 con. Khoảng 1.700 con vào kênh tiêu thụ của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, còn lại tập trung ở 2 chợ đầu mối. Có khoảng 65-70% thịt nhập vào chợ được kích hoạt số liệu khi đưa vào cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 35% thịt ra khỏi lò mổ có thông tin. Tính chung chỉ có khoảng 17-18% lượng thịt nhập chợ đầu mối có đầy đủ thông tin được kích hoạt.

“Nếu sản phẩm một công ty nào đó bị lỗi, chúng ta có thể truy ngược lại sản phẩm đó sản xuất ngày nào, thuộc lô hàng nào... Tuy nhiên, với heo thì không thể, nếu thương lái pha vài con heo không có nguồn gốc thì cũng không kiểm soát được. Hoặc nếu người tiêu dùng chỉ mua 1-2 kg thịt làm sao truy xuất?”, ông Bình phân tích.

Ông Bình cho biết đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không hiệu quả. “Ứng dụng công nghệ truy xuất là việc đáng hoan nghênh nhưng trước mắt lại làm khó người nuôi”, ông Bình cho biết. Theo đại diện của siêu thị Big C, trung bình mỗi ngày, Big C cung ứng cho thị trường 50-60 con heo (4-6 tấn), ứng dụng công nghệ truy xuất đã phần nào giúp đỡ cho việc quản lý sản phẩm đưa vào siêu thị. Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số vấn đề về lỗi kỹ thuật, đặc biệt ứng dụng công nghệ làm tăng chi phí sản phẩm.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Vissan đang đẩy mạnh việc chăn nuôi heo, thực hiện quy trình giết mổ khép kín để cung cấp cho người tiêu dùng, các hệ thống siêu thị, cửa hàng hiện đại phân phối cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, giá bán tại đây cao hơn so với kênh truyền thống và người tiêu dùng vẫn chấp nhận rủi ro với thịt heo không rõ nguồn gốc.

Thực tế có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ phù hợp hơn với các hệ thống siêu thị hoặc bán sản phẩm trực tiếp không qua thương lái. Theo nhiều doanh nghiệp, giải pháp là cần khuyến khích việc xây dựng thương hiệu thịt heo, hơn là việc sản xuất đại trà và thương lái gây sức ép cho người nuôi truyền thống. “Công ty chúng tôi thực hiện chăn nuôi heo theo phương pháp “Detox cho heo” (thanh lọc) trong vòng 15 ngày trước khi xuất bán. Sản phẩm này bán trực tiếp cho người tiêu dùng với mức cam kết chịu phạt 1 tỉ đồng nếu bị phát hiện có chất cấm trong thịt heo. Giá thành này làm cho chi phí sản xuất tăng 10% nhưng tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ chấp nhận vì sự an toàn của mình”, ông Bình hiến kế.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất. Những chủ trang trại cần hiểu việc truy xuất nguồn gốc là để bảo vệ chính họ khi minh bạch thông tin cho nhà sản xuất và khách hàng.

“Nguồn cung đang dồi dào cũng là thời cơ tốt để sàng lọc, ai không đáp ứng thì loại thẳng tay ra khỏi chuỗi cung cấp”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định. Trước lo lắng heo không đủ thông tin truy xuất tuồn về chợ lẻ, ông Hòa cho biết: “Thành phố đã có văn bản chỉ đạo 240 chợ lẻ trên địa bàn không cho phát sinh thêm điểm kinh doanh mới”. Thậm chí, đối với những trường hợp ngoan cố, không chấp hành, cần áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả thực hiện khởi tố các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày