Tài Chính

Chứng khoán Việt "xanh vỏ đỏ lòng"

Kim Anh Thứ Năm | 02/02/2023 15:30

Số lượng mã giảm chiếm ưu thế ở sàn HOSE. Ảnh: VNDirect.

Tuy đóng cửa trong sắc xanh nhưng số lượng mã giảm ở sàn HOSE gấp gần 3 lần so với số lượng mã tăng.
Số lượng mã giảm chiếm ưu thế ở sàn HOSE. Ảnh: VNDirect.

Sau khi "chạm đáy" vào tháng 11/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuỗi phục hồi mạnh mẽ. Phiên giảm điểm ngày 1/2 vừa qua đánh dấu sự giảm mạnh của VN-Index kể từ những ngày cuối tháng 12/2022. 

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh bất ngờ ở cuối phiên với khối lượng giao dịch cao nhất trong nhiều tuần qua. Đánh giá về phiên giao dịch này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho rằng phiên giảm đột ngột ngày 1/2 với khối lượng giao dịch tăng đột biến thì xét ở khía cạnh thị trường, đó có thể là một phiên phân phối và cũng là một tín hiệu cảnh báo thị trường ở thời điểm này. 

Nhóm cổ phiếu trụ là 'cứu tinh' của VN-Index phiên giao dịch 2/2. Nguồn: VNDirect.
Nhóm cổ phiếu trụ là 'cứu tinh' của VN-Index phiên giao dịch 2/2. Nguồn: VNDirect.

Đến phiên giao dịch 2/2, thị trường diễn biến ở trạng thái khá giằng co với thanh khoản ở mức trung bình. Chỉ số VN-Index kết phiên tăng nhẹ hơn 1,6 điểm, đóng cửa ở mức 1.077 điểm với hơn 11.000 tỉ đồng được giao dịch ở sàn HOSE. Tuy đóng cửa sở sắc xanh nhưng độ rộng ở sàn HOSE hiện đang nghiêng về bên bán với số lượng mã giảm đang là hơn 308 mã, gấp gần 3 lần so với số mã tăng. 

Có thể nhận thấy, sắc xanh của thị trường phiên hôm nay chủ yếu đến từ việc ‘kéo trụ’ của thị trường khi nhóm cổ phiếu VN30 có tới 16 mã tăng, kéo chỉ số này tăng hơn 5,3 điểm. Dẫn đầu mức độ đóng góp vào đà tăng của VN-Index là nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhiều đại diện như VCB, BID, CTG hay OCB và STB,… Ngoài ra còn là sự đóng góp của nhóm cổ phiếu họ ‘VIN’ với cặp đôi VIC và VRE. Bên cạnh đó, việc được ‘kéo trộm’ ở phiên ATC cũng giúp MWG đóng cửa tăng 5,9%, thuộc top 2 các mã đóng góp tích cực nhất vào chỉ số VN-Index.

Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ ở sàn HOSE. Ảnh: VNDirect
Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ ở sàn HOSE. Ảnh: VNDirect

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán Việt Nam, khi bóc tách những vấn đề vĩ mô và tiền tệ, ông Hoàng cho rằng những yếu tố này vẫn đang theo xu hướng tích cực, tức là áp lực từ thế giới đang giảm bớt đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc nhìn đối với thị trường, chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng nếu tính từ vùng đáy vào tháng 11/2022 đến thời điểm này thì thị trường đã vào một con sóng hồi tương đối với mức tăng 27-28% của VN-Index và nếu bây giờ thị trường có điều chỉnh cũng là điều bình thường.

 

Nhìn nhận ở góc độ định giá, ông Hoàng cho rằng từ giữa tháng 11 định giá P/E của thị trường đâu đó khoảng 9-10, đến bây giờ nó đã lên đến khoảng tầm 12. Như vậy là vùng định giá siêu rẻ đã không còn nữa và đến bây giờ nó đã có một mức tương đối, kết hợp với kết quả kinh doanh trong quý IV/2022, chúng ta thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp đã bị giảm tăng trưởng. Thêm vào đó, cả năm 2023 dự báo là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tương đối khó khăn, đâu đó nó chỉ quanh 10% tăng trưởng lợi nhuận thì rõ ràng mức định giá P/E của thị trường thời điểm này đã không còn rẻ.

Có thể bạn quan tâm 

Thị trường chứng khoán vẫn đang đối diện nhiều rủi ro


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày