Tài Chính

HSG tăng 197% vẫn chưa đạt kỳ vọng của công ty riêng ông Lê Phước Vũ

Nhật Lệ Thứ Hai | 04/01/2021 17:40

Nhà máy của Tôn Hoa Sen. Ảnh: TL.

Tổng kết năm 2020, giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen, mã HSG) đã tăng hơn 197%.
Nhà máy của Tôn Hoa Sen. Ảnh: TL.

Vừa qua, Tôn Hoa Sen vừa có thông báo về kết quả giao dịch cổ phiếu có liên quan đến người nội bộ của Công ty.

Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (công ty riêng do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch) đã bán thành công hơn 27 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức thỏa thuận từ ngày 4.12.2020-4.1.2021.

Theo tài liệu được công bố, ông Vũ đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tôn Hoa Sen, sở hữu hơn 74,3 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 16,72% vốn điều lệ của Công ty.

Công ty riêng của ông Lê Phước Vũ đã bán hơn 27 triệu cổ phiếu HSG.
Công ty riêng của ông Lê Phước Vũ đã bán hơn 27 triệu cổ phiếu HSG.

Được biết, trước đó công ty riêng của ông Vũ đã đăng ký bán hơn 43,1 triệu cổ phiếu HSG, tương đương với tỉ lệ sở hữu 9,7%. Tuy nhiên, do mức giá của cổ phiếu chưa đạt được kỳ vọng nên sau giao dịch, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen vẫn đang sở hữu hơn 16,1 triệu cổ phiếu HSG, tương đương tỉ lệ sở hữu 3,63%.

Năm 2020 có thể là một năm “sáng rực” đối với cổ phiếu ngành thép, khi các cổ phiếu trong ngành đều đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ, tiêu biểu như HPG, NKG và có cả HSG.

Lũy kế cả năm 2020, cổ phiếu HSG đã trở thành cái tên sáng giá với mức tăng hơn 197% từ vùng giá 7.440 đồng/cổ phiếu (đóng cửa 31.12.2019) lên mức giá 22.150 đồng/cổ phiếu (kết phiên 31.12.2020).

Bên cạnh sự nâng đỡ của thị trường chứng khoán, ẩn sau đà tăng của nhóm cổ phiếu thép là những “câu chuyện riêng” của từng doanh nghiệp.

 

Thị trường ngành thép trong năm 2020 tuy có khởi sắc so với 02 năm trước đây, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều bất ổn, khó lường. Giá thép nguyên liệu tiếp tục biến động phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gây tác động đến chi phí mua nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép.

Chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu tiếp tục duy trì và có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Thêm vào đó, thị trường nội địa tiếp tục cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp thép phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là công suất sản xuất dư thừa; thiên tai, bão lũ, dịch bệnh làm ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong niên độ tài chính 2019 - 2020, mặc dù phải trải qua những giai đoạn bất ổn của tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thị trường ngành thép nói riêng, Tôn Hoa Sen vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.

Sản lượng tiêu thụ trong niên độ tài chính 2019 - 2020 đạt hơn 1,62 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 27.531 tỉ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch.

Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của Công ty có sự tăng trưởng ấn tượng và vượt bậc, đạt 1.153 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với kế hoạch và tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ, đây cũng được coi là “trái ngọt” từ quá trình tái cấu trúc Công ty.

* Có thể bạn quan tâm 

► Sáng rực cổ phiếu thép


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày