Tài Chính

Tín dụng cửa mở, cửa khép

Minh Đức Thứ Hai | 01/08/2022 08:27

Tính đến đầu tháng 6/2022, tín dụng toàn ngành đã tăng đến 8% so với cuối năm 2021. Ảnh: Quý Hoà

Chính sách điều hành tín dụng hướng đến mục tiêu kép là kiểm soát lạm phát song hành nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn để tăng trưởng kinh tế.
Tính đến đầu tháng 6/2022, tín dụng toàn ngành đã tăng đến 8% so với cuối năm 2021. Ảnh: Quý Hoà

Từ đầu năm đến nay, tín dụng đã tăng trưởng mạnh đồng thời với diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Tính đến đầu tháng 6/2022, tín dụng toàn ngành đã tăng đến 8% so với cuối năm 2021, mức tăng khá cao so với mục tiêu định hướng của cả năm 2022 là 14%.

Theo Vụ Dự báo, Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đầu tư vận tải kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo là 4 lĩnh vực có số lượng tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất trong năm.

Nhu cầu vay vốn tăng trưởng nhưng nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14% với quan điểm thận trọng trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND. Với mức này, chỉ có khoảng 500.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỉ đồng trong nửa đầu năm).

 

Thực ra, nhiều tổ chức tín dụng đã phát đi thông điệp nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn cho vay đối với lĩnh vực “cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, “cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch”. Mặc dù vậy, bất động sản vẫn là lĩnh vực không có trong danh sách “nới lỏng” này. Thậm chí, trước khó khăn của ngành, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) còn phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố không nới room tín dụng trong năm nay nhưng tăng trưởng tín dụng có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp, có thể tăng lên 15-16%, song cũng có thể giảm xuống 12-13%. Theo SSI Research, căn cứ vào hạn mức ban đầu được Ngân hàng Nhà nước cấp vào đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng được tính ở mức 11,1% đối với các ngân hàng nằm trong phạm vi phân tích của SSI Research. Đối với năm 2023, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với năm 2022 và quay trở lại mức trước dịch bệnh COVID-19 là khoảng 13-14% so với đầu năm.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện vốn tín dụng/GDP đang ở mức 124% nên Việt Nam là một trong số quốc gia có tỉ lệ này cao nhất thế giới. Do đó, khi có biến động trong nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng.

Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết, bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả, sẽ gây hệ lụy đến toàn bộ nền kinh tế. Trước đây, khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới 30-53,8%, tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay. Từ năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng quản lý room tín dụng, điều hành thị trường tiền tệ giữ được sự ổn định.

Mặc dù vậy, về lâu dài, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, có rất ít quốc gia còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam và biện pháp này “không mang tính thị trường”. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nới room tín dụng kịp thời cho các ngân hàng để tránh việc cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, người dân - khách hàng của ngân hàng bị gián đoạn trong các hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có thể quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua các công cụ kỹ thuật như hệ số an toàn vốn (CAR), chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỉ  lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… Đồng thời, có thể điều tiết lượng tiền cung ra thị trường thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành.  


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày