Thế giới

Khoảng trống người cầm trịch

Ngô Ngọc Châu Thứ Tư | 26/09/2018 11:30

Jack Ma, ông chủ Alibaba.

Rủi ro từ việc tập trung quyền lực trong tay các nhà sáng lập doanh nghiệp một lần nữa được đặt ra.
Jack Ma, ông chủ Alibaba.

Những ngày này, ngành internet Trung Quốc đang xôn xao một câu chuyện đùa. Nếu các nhà sáng lập nên 3 hãng công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc - Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent và Robin Li của Baidu - đều tuyên bố “thoái ẩn giang hồ” thì cổ phiếu của các công ty này sẽ như thế nào? Người ta nói rằng: Nếu là Jack Ma của Alibaba, giá cổ phiếu của Công ty sẽ giảm xuống. Nếu là Pony Ma của Tencent, giá cổ phiếu vẫn không đổi. Còn nếu đó là Robin Li của Baidu, giá cổ phiếu sẽ tăng.

Câu chuyện bông đùa này phần nào cho thấy các nhà khởi nghiệp tỉ phú của Trung Quốc - biểu tượng của sự trỗi dậy internet - cuốn hút người dân nước này như thế nào. Họ xuất bản bộ sưu tập những phát ngôn của các nhà lãnh đạo này và các cuốn sách như Intelligence Revolution của Robin Li và China At Your Fingertips của Pony Ma và vô số phát ngôn của họ về cách làm giàu như thế nào.

Bàn tán xung quanh người cầm trịch

Câu chuyện bông đùa nói trên cũng có một phần đúng về Jack Ma: thông tin ông đột ngột về hưu, rồi sau đó Alibaba nói rằng Jack Ma sẽ rời khỏi vị trí Chủ tịch trong vòng 1 năm đã khiến giá cổ phiếu Alibaba giảm 3,7%. Nhưng rất nhanh sau đó giá cổ phiếu lại hồi phục. Để tập trung vào hoạt động từ thiện, Jack Ma sẽ giao lại quyền hành cho Daniel Zhang, người giữ vị trí CEO tại Alibaba kể từ năm 2015.

Khoang trong nguoi cam trich
 

Tất cả những điều này tạo nên màu sắc tương phản với các sự kiện tại JD.com, đối thủ trực tiếp của Alibaba trong mảng thương mại điện tử. Đầu tháng 9, có thông tin rằng Richard Liu, nhà sáng lập kiêm ông chủ của JD.com, bị bắt giữ tại bang Minnesota của Mỹ với cáo buộc cưỡng hiếp. Trong 2 ngày giao dịch, giá cổ phiếu của JD.com đã giảm 16%, mức giảm lớn nhất kể từ khi công ty công nghệ Trung Quốc này niêm yết trên sàn Nasdaq Mỹ vào năm 2014, mất tới 7,2 tỉ USD vốn hóa thị trường. Hiện cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra (Liu phủ nhận mọi cáo buộc thông qua luật sư).

Hai sự kiện này đã thu hút sự chú ý trở lại đối với một vấn đề tồn tại lâu nay và vô cùng nhức nhối trong quản trị doanh nghiệp Trung Quốc: “rủi ro người quan trọng”, tức rủi ro đến từ những người cầm trịch tại doanh nghiệp, chủ yếu là các nhà sáng lập nên các công ty đó.

Các ông chủ công nghệ nắm trọn quyền trong tay vốn dĩ là một vấn đề tồn tại ở những quốc khác, nhưng ở Trung Quốc, các quy trình pháp lý không rõ ràng càng khiến cho vấn đề này trầm trọng hơn rất nhiều, theo Jamie Allen thuộc Hiệp hội Quản trị Doanh nghiệp châu Á. Các tập đoàn toàn cầu của Trung Quốc sử dụng cơ chế kiểm soát, được dựng nên để đảm bảo rằng quyền kiểm soát của nhà sáng lập là không thể lung lay và vì thế đã vấp phải lời chỉ trích ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

JD.com cũng có tiếng tăm không mấy đẹp đẽ. Hội đồng Quản trị của JD.com không đủ số đại biểu để ra quyết định nếu không có Liu, cho dù ông bị bắt ở đâu đó, một cơ chế “bất thường không chỉ ở Trung Quốc mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới”, theo Allen. Hội đồng Quản trị JD.com chỉ có 5 thành viên, cho phép Liu nắm giữ quyền lực khổng lồ.

Khoang trong nguoi cam trich
Richard Liu, ông chủ JD.com.

Giống như nhiều công ty Trung Quốc khác được niêm yết tại Mỹ, JD.com có cấu trúc cổ phiếu “hai tầng”, vốn cho phép các nhà sáng lập sở hữu một loại cổ phiếu đặc biệt với quyền biểu quyết mạnh hơn. Kết quả là Liu có thể kiểm soát tới 4/5 quyền biểu quyết của JD.com cho dù ông sở hữu chưa tới 1/5 số cổ phiếu. JD.com đã không triệu tập một cuộc đại hội cổ đông thường niên nào kể từ khi lên sàn, mà đó lại là điều Công ty được phép làm theo các quy định quản trị lỏng lẻo của Đảo Cayman, nơi Công ty đặt trụ sở. Tương tự, Baidu, được niêm yết ở Mỹ vào năm 2005 và cũng có trụ sở đặt tại Đảo Cayman, không hề tổ chức một cuộc đại hội cổ đông nào kể từ năm 2008.

Khoang trong nguoi cam trich
 

Tin tức về vụ bắt giữ Liu là một lời nhắc nhở cho thấy các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hầu như không có một kế hoạch kế vị rõ ràng nào; không người nào biết chắc chắn ai là phó tướng của Liu. Lin Yu-Hsin, chuyên gia về luật doanh nghiệp ở Hồng Kông, dự đoán vấn đề “rủi ro người quan trọng” sẽ càng tồi tệ hơn trong 15 năm tới khi các nhà sáng lập các hãng công nghệ, hiện ở độ tuổi 40-50, tiến gần hơn đến độ tuổi về hưu.

Cách làm của Jack Ma

Trong bối cảnh đó, Jack Ma đã tự tin chuyển giao quyền lực. Duncan Clark, tác giả của cuốn sách Alibaba: The House That Jack Ma Built, cho rằng Alibaba muốn thể hiện rằng doanh nghiệp này hoàn toàn khác biệt ngay từ đầu. Để Tập đoàn có thể tồn tại suốt nhiều thế kỷ (Alibaba được thành lập từ năm 1999), Alibaba đã dự định xây dựng một nền văn hóa mà không dựa vào một nhà sáng lập.

Alibaba đã phần nào làm được điều đó. Jack Ma bắt đầu rút dần từ năm 2013, khi ông rời khỏi vị trí CEO (ngược lại, Pony Ma, Robin Li và Richard Liu vẫn giữ vị trí CEO và Chủ tịch Hội đồng Quản trị ở công ty họ). Jack Ma là nhà sáng lập đầu tiên của một hãng internet lớn Trung Quốc tuyên bố rút lui.

Vai trò của ông cũng đang được rút bớt tại những VIE, các công ty lợi ích của Alibaba, một công cụ pháp lý được yêu thích của các hãng công nghệ Trung Quốc.

Cũng cần nói thêm, Trung Quốc không cho phép các tổ chức nước ngoài sở hữu các tài sản nhạy cảm. Giống như những công ty khác, Alibaba đã cơ cấu chúng thành các VIE được sở hữu bởi các cá nhân tại Trung Quốc và trao quyền kiểm soát các tài sản đó cho công ty holding quốc tế của mình. 4/5 các công ty VIE của Alibaba được sở hữu gián tiếp bởi Jack Ma và một trong những nhà đồng sáng lập của ông. Năm tới tất cả sẽ được sở hữu bởi 2 tầng các công ty holding; những công ty này lại được sở hữu bởi một nhóm nhiều hơn các nhân viên cấp cao người Trung Quốc của Alibaba.

Khoang trong nguoi cam trich
 

Các cỗ máy VIE tiếp tục trở thành công cụ ưa chuộng, mặc cho quyền lực mà các công ty này “ban phát” cho các ông chủ sở hữu của họ. China Literature, một công ty thuộc Tencent và hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đều vận dụng các cỗ máy VIE này. Các nhà đầu tư phần lớn vẫn làm lơ chúng dù với sự ái ngại. Vào năm 2011, các nhà đầu tư đã tỏ ra bất an sau khi vợ cũ của nhà sáng lập Tudou, một hãng video trực tuyến khi đó đang chuẩn bị niêm yết tại Mỹ, đệ đơn kiện yêu cầu một khoản lợi ích cổ phần trong VIE của Tudou, mà chồng cũ của bà nắm giữ 95% cổ phần (sau đó, bà này rút đơn).

Thực ra, Alibaba cũng không phải hoàn hảo. Bởi lẽ, dù có rút lui, Jack Ma sẽ vẫn là một thành viên trọn đời của Alibaba Partnership, vốn tập trung quyền kiểm soát Công ty trong tay một nhóm nhân viên cấp cao gồm 36 người. Họ chỉ định đa số chỗ ngồi trong Hội đồng Quản trị. Ngân hàng Jefferies dự đoán Jack Ma “sẽ tiếp tục giữ một vai trò có sức ảnh hưởng trong văn hóa và hệ sinh thái của Alibaba”. Kế hoạch kế vị sẽ hợp nhất 2 vai trò lớn nhất của Alibaba vào tay của Daniel Zhang và đây là một bước lùi.

Khoang trong nguoi cam trich
 

Ít “mờ mịt” nhất trong các công ty nói trên, theo các chuyên gia quản trị doanh nghiệp, là Tencent. Công ty này cũng có các VIE, nhưng lại có cơ chế “1 cổ phiếu, 1 quyền biểu quyết” kể từ khi niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2004. Pony Ma đã chọn sàn chứng khoán Hồng Kông (vừa cho phép triển khai cấu trúc cổ phiếu 2 tầng vào tháng 4.2018) vì ông muốn công ty internet của mình có thể đáp ứng các yêu cầu quản trị doanh nghiệp khắt khe hơn vào thời điểm đó. Pony Ma đã giảm các quyền lợi kinh tế và quyền biểu quyết kể từ năm 2007 từ 13% xuống còn 9%.

Khoang trong nguoi cam trich
Pony Ma, ông chủ Tencent.

Giữa những xôn xao trên mạng xung quanh vụ bê bối JD.com, Wang Xing, nhà sáng lập khá kín tiếng của Meituan-Dianping, một startup về các dịch vụ trực tuyến, vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã gửi một thông điệp đến những người theo dõi ông trên mạng xã hội: “Hy vọng chiến tranh không nổ ra hay có những sự kiện gây sốc khác trong 9 ngày tới”. Ông đưa ra phát ngôn trong bối cảnh Meituan chuẩn bị niêm yết trên sàn Hồng Kông vào ngày 20.9.2018.

Đối với các nhà đầu tư, vấn đề cấp bách không phải là chiến tranh hay các vụ bê bối, cú sốc bên ngoài. Họ quan tâm hơn đến việc liệu các công ty có sở hữu các VIE, nắm giữ số cổ phiếu có quyền biểu quyết tối thượng hay nhà sáng lập có kiêm cả 2 chức vụ Chủ tịch và CEO hay không. Không có gì khiến các chuyên gia về quản trị vững tâm rằng Meituan, ngôi sao công nghệ mới của Trung Quốc, sẽ sở hữu cả 3 yếu tố này

(Theo The Economist)


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày