Thế giới

TLTRO và tham vọng 1 nghìn tỷ euro của ECB

Thứ Năm | 18/09/2014 15:06

Tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (TLTRO) được đánh giá là biện pháp gây sốc của ECB, hướng trực tiếp đến các ngân hàng châu Âu.
Hôm nay 18/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chính thức bắt đầu triển khai chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (Targeted Longer-Term Refinancing Operations - TLTRO) với quy mô ban đầu 400 tỷ euro.

TLTRO là chương trình cho phép các ngân hàng vay khoản tiền với mức lãi suất tái cấp vốn 0,05% đến tận năm 2018, nhằm cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thực. Nếu các ngân hàng không thể tiếp cận các đối tượng cho vay để đầu tư hoặc tiêu dùng, họ sẽ phải trả lại số tiền đã vay vào năm 2016.

ECB đặt mục tiêu cho vay được 1 nghìn tỷ euro trong vòng 3 năm tới, nhằm thúc đẩy lạm phát tăng trở lại ngưỡng mục tiêu và hỗ trợ nền kinh tế bằng cách hướng dòng tín dụng chảy nhiều hơn đến lĩnh vực kinh doanh.

Chương trình hỗ trợ cho vay TLTRO của ECB được triển khai theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, các ngân hàng tại châu Âu có quyền vay đến 400 tỷ euro trong khoảng thời gian bắt đầu từ hôm nay 18/9 kéo dài đến tháng 12/2014, thông qua các đợt đấu giá (công cụ tài chính là các giấy tờ có giá). Sau đó, từ tháng 3/2015 đến tháng 6/2016, những đợt đấu giá tiếp theo sẽ được tổ chức để cung cấp khoản vay trên 800 tỷ euro.

Ảnh
ECB đang đánh đổi những hiệu quả mà TLTRO có thể mang lại với một bảng cân đối kế toán có thể tăng lên mức cao chưa từng có - Ảnh: Marc to market

Tác động đến nền kinh tế?

Đợt cho vay đầu tiên trong khuôn khổ chương trình TLTRO được kỳ vọng sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo đánh giá của UBS, cầu vay vốn có thể nằm trong khoảng 280 - 300 tỷ euro và có thể chỉ ở mức 250 tỷ euro theo kịch bản đánh giá của Morgan Stanley. Khảo sát do Reuters thực hiện lại cho kết quả trên là 333 tỷ euro. Tuy nhiên, cầu vay vốn của các ngân hàng có thể tăng cao vào cuối năm - thời điểm giai đoạn đầu tiên của chương trình TLTRO kết thúc. Hâu hết các chuyên gia đều cho rằng, những tác động đến nền kinh tế từ chương trình kích thích tham vọng này của ECB sẽ cần được đánh giá sau một khoảng thời gian tương đối dài sau khi kết thúc.

Tuy nhiên, nếu giai đoạn đầu tiên của chương trình TLTRO được các ngân hàng đón nhận quá hạn chế, thì đó sẽ là nỗi thất vọng đối với thị trường. Cần phải nói rằng, ECB đã chấp nhận cho bảng cân đối kế toán tăng lên rất lớn sau hàng loạt các biện pháp nới lỏng tiền tệ thời gian qua. Chủ tịch ECB - ông Mario Draghi đã khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn với các mức lãi suất điều hành đang ở mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử*. Nhóm nghiên cứu của UBS nhận định: "Càng nhiều tiền cho vay, bảng cân đối kế toán của ECB càng tăng lên (...) và sẽ xuất hiện càng nhiều thanh khoản dư thừa trong hệ thống". Điều này ám chỉ, đồng euro có thể sẽ còn tiếp tục giảm giá và những tác động có thể được nhận thấy rõ nét ngay lập tức.

Ai được lợi khi tham gia?

Ở Pháp, đánh đổi chính trị là lớn chưa từng có. Tại cuộc hội thảo "Những nền tảng tài chính và đầu tư" được tổ chức đầu tuần này tại điện Elysee, Tổng thống Pháp - ông Francois Hollande đã đề cập đến TLTRO và cảnh báo những hậu quả mà các ngân hàng Pháp phải đối mặt nếu tham gia vào chương trình cho vay mới của ECB. Điều này đặt các tổ chức tài chính của Pháp dưới những áp lực và khiến cho họ phải tiếp cận tín dụng một cách chủ động (chứ không phải bắt buộc), trong bối cảnh cầu tín dụng không thực sự lớn.

Các ngân hàng Pháp hiểu rõ điều đó và thậm chí họ còn biết những thông tin được cho là "bí mật quốc gia", nhưng một số ngân hàng chẳng hạn như BNP Paribas vẫn thể hiện sự quan tâm đối với chương trình cho vay mới của ECB. Tập đoàn BPCE cũng sẽ đăng ký tham gia đấu giá vay vốn, nhưng với giá trị thấp (ít hơn 10 tỷ euro).

Ở Đức, các tổ chức tài chính dường như có được "lợi ích rõ ràng" khi tham gia chương trình TLTRO, theo những tuyên bố của Ngân hàng Trung ương nước này là Bundesbank trong suốt những ngày qua. Trên toàn châu Âu, nhìn chung, mọi nơi đều có lợi khi tham gia chương trình vay vốn đầy tham vọng của ECB.

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 4/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm 10 điểm cơ bản đối với cả ba lãi suất điều hành, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiếp tục được giảm xuống -0,2%, lãi suất tái cấp vốn xuống mức 0,05%, lãi suất biên xuống mức 0,3%.

Các lãi suất mới bắt đầu có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 10/9.

Ngoài ra, ECB sẽ mua lượng lớn trái phiếu thế chấp bằng tài sản (ABS) và trái phiếu có bảo đảm bằng đồng euro (covered bonds), được phát hành bởi các tổ chức tài chính trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chi tiết về chương trình mua tài sản mới này sẽ được công bố vào cuộc họp chính sách tháng tới (diễn ra vào ngày 2/10).


Nguồn Theo DVO/ Les Echos


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày