Bất động sản

Căn hộ ngày càng xa tầm với

Đức Hiệp Thứ Ba | 31/12/2019 07:41

Ảnh: Quý Hòa

Giá căn hộ tại Việt Nam đã tăng quá tầm với của nhiều người trẻ.
Ảnh: Quý Hòa

Cứ mỗi 5 năm, dân số TP.HCM lại tăng thêm khoảng 1 triệu người nên nhu cầu về nhà ở của người nhập cư là rất lớn. Mục tiêu làm sao có đủ nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP.HCM là vấn đề được chính quyền TP.HCM đặt ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, bài toán này vẫn chưa có lời giải trong bối cảnh giá bất động sản tăng phi mã trong thời gian qua.

Theo một thống kê gần đây từ Công ty Quản lý tài sản toàn cầu UBS, thuộc tập đoàn tài chính lớn nhất Thụy Sĩ UBS, giá bất động sản thế giới đều tăng mạnh vài năm gần đây và để sở hữu được một căn hộ bình thường tầm 60m2, trung bình một người dân ở Singapore phải chi tương đương 12 năm thu nhập, London 14 năm và Paris là 15 năm. Vậy còn tại Việt Nam, giá căn hộ trung bình đang ở mức nào?

 

Nhìn ra Hà Nội, ở các quận gần trung tâm như Hà Đông, Cầu Giấy, nhiều căn hộ bình thường với diện tích 60m2 được rao bán với giá 1,5 tỉ đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân người dân thành phố từ 93-100 triệu đồng/năm. Còn ở TP.HCM, theo CBRE, giá căn hộ mà các chủ đầu tư bán ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019 trung bình là 1.851 USD/m2 (tương đương 43,5 triệu đồng/m2), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE (Việt Nam), để sở hữu một căn hộ 50-60m2 ở gần trung tâm, giá cũng phải hơn 2 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty JLL, nếu như cách đây 2 năm có thể tìm thấy các dự án có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè thì nay hầu hết các căn hộ tại đây đều tăng lên đến 23-25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ chung cư diện tích 50m2 đã có giá lên đến 1,2-1,3 tỉ đồng. JLL dự báo thời gian tới, giá căn hộ tại thành phố vẫn tiếp tục tăng do chi phí đất và chi phí xây dựng ngày càng đội lên. Sức tăng mạnh của căn hộ chung cư rõ nhất là tại phân khúc căn hộ bình dân.

Theo ông Lại Đức Dương, chuyên viên phân tích mảng bất động sản của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, phân khúc căn hộ trung bình tăng hơn 20%. Lý do lớn có thể kể tới như nguồn cung hạn chế của các sản phẩm mới và cũng ít sản phẩm có sẵn.  

Nhìn chung, nhà ở giá rẻ hiện tại đã không còn rẻ. Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất mới cao hơn khoảng 30% so với khung giá đất cũ. Cùng chi phí đất tăng, các sản phẩm liên quan đến ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch... cũng sẽ tăng theo, từ đó đẩy giá thành nhà lên cao, ngày càng xa tầm với của người trẻ.

 

“Hiện nay, căn hộ nhà ở 2 phòng ngủ có giá khoảng 2 tỉ đồng. Với một cặp vợ chồng tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được từ 5-6 triệu đồng/tháng, thì giấc mơ mua nhà càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định. Vì vậy, không phải vô lý khi nhiều chuyên gia cảnh báo để mua được nhà tại TP.HCM, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà.

TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Tuy nhiên, trên thực tế, do ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa, vẫn thiếu nguồn cung cho nhà ở xã hội. Để có thể mua nhà giá rẻ, người dân chỉ có thể trông chờ vào chính sách tín dụng.

Tháng 10.2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội phân bổ cho TP.HCM 10 tỉ đồng tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội có giá bán khoảng 1 tỉ đồng/căn, mỗi cá nhân được vay 70% giá trị hợp đồng mua nhà, với mức vay 700 triệu đồng. Tuy nhiên, với nguồn vốn 10 tỉ đồng thì chỉ có 14 hộ gia đình được vay.

 

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, cần có nhiều chính sách giảm bớt các thủ tục hành chính như miễn thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng thiết kế mẫu nhà ở xã hội chung cư cao tầng đã được giải thưởng trong cuộc thi do Sở Xây dựng tổ chức; Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội...

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định để Ngân hàng Chính sách Xã hội cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi. Cụ thể, người có nhu cầu mua nhà loại này có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng. Mục đích là khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách mua nhà ở xã hội.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày