Chuyên đề

Dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam

Lam Hồng Thứ Tư | 19/06/2019 08:00

Ảnh: cnsourcelink.com.

Thương chiến Mỹ - Trung khiến dòng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam gấp rút và mạnh mẽ hơn.
Ảnh: cnsourcelink.com.

Những ngày đầu tháng 4, đại diện của Công ty Weichai rốt ráo đi tìm nhà máy để phục vụ cho kế hoạch mở rộng kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam. “Chúng tôi tìm kiếm một nhà máy đủ lớn và hạ tầng thuận tiện để triển khai trước mắt là lắp ráp, sau đó nâng dần tỉ lệ nội địa hóa, tiến đến sản xuất động cơ tàu thủy, ô tô phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu”, bà Xue Hua, Tổng Giám đốc của Weichai Việt Nam, cho biết.

Gấp rút dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

Weichai là nhà sản xuất động cơ lớn tại Trung Quốc, đang cung cấp động cơ cho các nhà lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam như Thaco Trường Hải, Chiến Thắng, Trường Giang, Hoa Mai... Những nhà đầu tư mới như Weichai đang tạo ra một lực đẩy lớn cho hạ tầng công nghiệp tại nhiều địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung tạo sức ép cho dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, các nhà đầu tư phương Tây có nhiều lựa chọn khi dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc như qua Indonesia, Malaysia, Thái Lan,... nơi có cơ sở hạ tầng tốt, lực lượng lao động kỹ thuật cao hoặc sở hữu lực lượng lao động khổng lồ như Ấn Độ.

Dong dich chuyen san xuat tu Trung Quoc vao Viet Nam
 

Tuy nhiên, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với nhiều lợi thế lớn, bao gồm vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc - thuận lợi cho lưu thông đường bộ. Hơn nữa, không có khu công nghiệp nào nằm sâu trong đất liền và các cụm khu công nghiệp chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được tăng cường đầu tư. Sự hấp dẫn của Việt Nam còn đến từ việc đang trở thành tâm điểm của nhiều hiệp định thương mại tự do với châu Âu, Hàn Quốc, CPTPP... Qua đó hình thành cơ hội cho Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất mới tại khu vực trong chiến lược Trung Quốc +1 của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

VDSC dự báo, Việt Nam được xem như điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng tăng lên ngay cả khi Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi nước này.

Một bức tranh lớn về dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam hình thành rõ nét hơn. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tính đến hết ngày 20.5, nước này đổ hơn 7 tỉ USD, vượt qua số vốn của Hàn Quốc, Nhật hay Singapore. Vốn Trung Quốc riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỉ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ năm 2018. Nhiều công ty Trung Quốc hy vọng dịch chuyển sản xuất sang nước khác sẽ tránh bị áp thuế quan thêm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ đang căng thẳng hiện nay.

Thông thường họ mở một nhà máy mới ở Việt Nam hay Campuchia trước, rồi xoay chuyển nhân sự ở nhà máy nội địa, hoặc cơ sở ở Trung Quốc chỉ tập trung làm nghiên cứu và làm đơn hàng của các thị trường không phải là Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà máy lớn có quy mô đã lên kế hoạch sản xuất lâu dài tại Việt Nam. Chẳng hạn, tổng vốn đầu tư dự tính cho một nhà máy ở Bắc Ninh của GoerTek, công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị cho Apple, là 260 triệu USD. Trong khi đó, nhà máy đầu tiên tại Việt Nam của công ty sản xuất polyester Zhejiang Hailide New Material (Trung Quốc) tiêu tốn 155 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hơn một năm nay, thông qua việc thâu tóm, mua lại những doanh nghiệp trong nước hoặc mua đất mở trang trại canh tác, tổ chức thu mua nông sản rồi xuất khẩu. Do Mỹ đánh thuế cao nên các nhà đầu tư Trung Quốc phải sang Việt Nam xây nhà máy sản xuất, lấy giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất đi Mỹ hoặc các thị trường đang được hưởng thuế rất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Ông Michael Chan, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông và Dịch vụ khách hàng của Công ty BW Industrial, đánh giá: “Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như chúng tôi. BW Industrial hiện có 200ha dự án trên cả nước trong năm 2018 và sẽ mở rộng thêm 130ha quỹ đất vào năm 2019 để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng từ khách hàng”. BW Industrial là liên doanh giữa quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Warburg Pincus kết hợp với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC với số vốn hơn 200 triệu USD. Warburg Pincus đang gom quỹ đất tại Việt Nam nhằm phát triển chuỗi bất động sản công nghiệp và kho vận hậu cần, xây dựng bàn đạp vững chắc trước trào lưu di chuyển dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia từ Trung Quốc.

Dong dich chuyen san xuat tu Trung Quoc vao Viet Nam
 

Theo thống kê của Công ty Quản lý Bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL), bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335ha, đến năm 2018, Việt Nam đã có hơn 80.000ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000ha. Sự hình thành các đường cao tốc phía Bắc, dẫn tới nhiều khu công nghiệp ra đời, thu hút các nhà đầu tư như: Samsung và các nhà cung ứng của Samsung, Kyocera Mita, Nestlé, Panasonic, Toto... Tương tự, hàng loạt nhà đầu tư (Bosch, Nidec, Schneider, Bayer, Cargill, Pepsi...) cũng di dời nhà máy vào các khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Đứng đâu trong chuỗi cung ứng?

Dữ liệu mới nhất của Cục Điều tra dân số Mỹ cho thấy, lượng nhập khẩu hàng Việt Nam của Mỹ đã tăng 40,2% trong 3 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ. Việt Nam được dự báo có thể vượt qua Ý, Pháp, Anh và Ấn Độ trong hàng ngũ các nhà xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ.

Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Thực tế, các tập đoàn công nghiệp khổng lồ như Foxconn, GoerTek và Hl Corp đều đang suy xét dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam theo xu hướng này. Trước đó, Việt Nam đã được nhắc đến như một công xưởng tại Đông Nam Á khi thu hút hàng loạt thương hiệu lớn của thế giới như Intel, Samsung, LG, Nokia... đặt nhà máy. Theo dữ liệu từ Oxford Economics, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất Việt Nam, được thúc đẩy bởi sản xuất điện tử, đã tăng lên 11% mỗi năm trong 5 năm qua và đó là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Dong dich chuyen san xuat tu Trung Quoc vao Viet Nam
 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng, đã và đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam là ưu tiên số 1. Mặc dù vậy, một báo cáo mới đây của HSBC nhìn nhận, Đông Nam Á và cụ thể là Việt Nam có thể kỳ vọng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng xảy ra trên diện rộng khi khu vực này có sự cải thiện về công nghệ và năng lực sản xuất cũng như tăng cường kết nối trong khu vực.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định: “Những thay đổi về thương mại toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp phải xem lại chiến lược về năng lực cũng như đầu tư chuỗi cung ứng, nhưng chúng ta chưa thực sự chứng kiến những thay đổi này thể hiện ở dịch chuyển trên diện rộng vào Đông Nam Á, Nam Á hay các khu vực khác trên thế giới. Thay đổi không thể xảy ra một sớm một chiều. Các doanh nghiệp cân nhắc dịch chuyển chuỗi cung ứng cần phải đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực sẵn có ở địa phương, nguồn nhân sự có kỹ năng và cân nhắc việc xây dựng mới hay hợp tác với các doanh nghiệp trong nước”.

Cấu trúc thương mại của Việt Nam cho thấy tỉ lệ nhập khẩu hàng hóa trung gian lớn, biểu hiện sự tham gia mạnh về phía sau hơn về phía trước trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ mô hình nhập khẩu để xuất khẩu, Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong suốt thập kỷ vừa qua, giúp giải quyết việc làm, dự trữ ngoại hối và cải thiện đời sống.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mô hình này phụ thuộc vào sự bền vững của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với mấu chốt là cách thức Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu được dẫn dắt bởi các công ty đa quốc gia, VEPR cho rằng sẽ không mấy lạc quan bởi tự động trong quy trình sản xuất sẽ dịch chuyển việc làm từ thị trường lao động tay nghề thấp sang thị trường lao động có tay nghề cao và mô hình tích hợp quy trình sản xuất sẽ đưa các nhà máy sản xuất đến gần với khách hàng hơn.

Dong dich chuyen san xuat tu Trung Quoc vao Viet Nam
 

Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro nếu các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam rời khỏi nơi đây vì một hoặc cả hai mục đích này. Chẳng hạn, với sản phẩm điện, điện tử, linh kiện, máy tính - sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu chủ lực - thì khả năng cung ứng của doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Đơn cử như Tập đoàn Samsung đưa ra điều kiện cần tuyển 250 nhà cung ứng cấp 1 trong nước cho sản phẩm phụ trợ, nhưng số lượng doanh nghiệp đáp ứng chỉ đạt chưa đầy 30 đơn vị.

“Vì vậy, Việt Nam phải nhanh chóng nâng cấp trở thành điểm quản trị toàn bộ chuỗi chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu. Mô hình như Hàn Quốc và Đài Loan đã chứng minh sự thành công này”, VEPR đưa khuyến nghị.

Theo tính toán của VEPR từ số liệu của OECD, tỉ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam năm 2015 là 56%, nhảy vọt lớn so với 34% của năm 1995. Tuy nhiên, sự gia tăng này chỉ đến từ liên kết sau, chiếm 45% trong khi liên kết trước chỉ 11%. Nhiều ngành trở thành trụ cột của xuất khẩu như dệt may, giầy dép, đồ điện tử... của Việt Nam đều nằm ở khâu trung nguồn của chuỗi giá trị.

Ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia, cho biết, trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI thế hệ mới, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Theo bà Amanda Rasmussen, Giám đốc vận hành Indo Trans Corp (ITL), để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư, kinh doanh thông qua việc hợp lý hóa môi trường pháp lý, tăng tính minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây, cho phép công nghệ phát triển và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng.

Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hứa hẹn những cơ hội tích cực nếu Việt Nam có thể nắm bắt. Nhưng thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất. Mặt khác, làn sóng di dời đầu tư vào Việt Nam cũng là cơ hội để Chính phủ chủ động chọn mặt gửi vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài vì sự thịnh vượng bền vững của Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày