Công Nghệ

Người Mỹ muốn "đánh chìm" Huawei!

Trực Thanh Thứ Sáu | 22/05/2020 11:24

Bằng cách chặn nguồn cung chip điện tử trên toàn cầu cho Huawei, đồng thời đưa Huawei vào danh sách đen.

Một năm trước, Mỹ đã giáng một cú đấm mạnh vào biểu tượng công nghệ của Trung Quốc là Huawei. Theo đó, các công ty công nghệ cao của Mỹ không được bán hàng cho Huawei. Lý do đưa ra ngắn gọn là: Huawei có thể là cửa sau cho các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh!

Tuy nhiên, nhiều lỗ hổng vẫn cho phép các công ty Mỹ tiếp tục cung cấp thiết bị, linh kiện cho Huawei từ các nhà máy ở nước ngoài. Chẳng hạn, thị trường phát hiện Huawei vẫn đang sử dụng linh kiện của Mỹ cho mẫu điện thoại thông minh hàng đầu P40 của mình, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Trump vào năm 2019.

Kết quả là, doanh thu của Huawei vẫn tăng 19% trong năm 2019, đạt 123 tỉ USD; thậm chí, hoạt động mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ đã tăng 70%, lên 19 tỉ USD.

Trước tình hình này, vào ngày 15.5, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp dụng một cách tiếp cận mới cứng rắn hơn. Theo quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, các công ty sử dụng bất kỳ trang bị và phần mềm nào của Mỹ cũng sẽ không được cung cấp chip cho Huawei nếu không có giấy phép từ Washington.

 

Không chỉ giáng đòn trực tiếp vào Huawei, quy định này còn tác động mạnh đến đối tác gia công chip của họ là hãng TSMC (Đài Loan). Vì mọi nhà sản xuất chip lớn đều sử dụng nhiều phần mềm và linh kiện từ Mỹ, nên quyết định này cũng đồng nghĩa “đóng băng” hoàn toàn Huawei.

Vi mạch là một phát minh của Mỹ nhưng kinh doanh sản xuất chip đã đi ra toàn cầu. Ngày nay, hàng chục công ty bán dẫn lớn nhất chỉ kiếm được 27% doanh thu tại Mỹ. Chỉ 20% nhà máy của họ đặt tại đây. 

Ông Christopher Ford, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh, cho biết sẽ rất khó để các hãng chip điện tử loại bỏ hoàn toàn thiết bị và phần mềm Mỹ khỏi quá trình sản xuất bởi đây là những công nghệ cần thiết cho đa số các loại chip công nghệ cao hiện nay.

Scott Kennedy, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ nói với CNN Business rằng: “Việc này sẽ cấu hình lại cơ bản của toàn bộ ngành công nghiệp. Chất bán dẫn và lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông gần như được toàn cầu hóa như bất kỳ ngành công nghiệp nào trên hành tinh”.

Trong khi đó, Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Mỹ đã xác nhận với CNN Business rằng, họ đang đàm phán với chính phủ Mỹ để tìm cách đảm bảo sự dẫn đầu về công nghệ của Mỹ và tăng cường các nguồn trong nước cho công nghệ vi điện tử tiên tiến và công nghệ liên quan.

Top 12 nhà sản xuất bán dẫn
Top 12 nhà sản xuất bán dẫn.

Trước quyết định mới của Mỹ, Huawei cho rằng “sự sống còn của hãng đang bị đe dọa”. Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn lạc quan. Cổ phiếu của Huawei, được giao dịch ở Hồng Kông, hầu như không giảm. Tập đoàn này đã dành cả năm qua để tăng cường bộ đệm tiền mặt và hàng tồn kho lớn. Bây giờ Huawei tính đến phương án không có người Mỹ với dự án xây dựng ngành công nghiệp chip riêng của Trung Quốc. Vào ngày 15.5, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ đã huy động được 2 tỉ USD từ các nhà đầu tư nhà nước và dự định tăng gấp 6 lần công suất tại Trung Quốc.

Trung Quốc cũng bóng gió đưa ra các biện pháp trả đũa bằng cách nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ đang hoạt động tại Đại lục, bao gồm cả Apple. Nếu Mỹ chặn các nguồn cung công nghệ quan trọng cho Huawei, Trung Quốc sẽ kích hoạt "danh sách thực thể không đáng tin cậy" để giới hạn hoặc điều tra các công ty Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple cũng như hoãn hợp đồng mua máy bay của Boeing.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh cũng sẵn sàng xuống thang để “hạ hỏa” người Mỹ. Vào ngày 15.5, TSMC cho biết sẽ xây dựng một nhà máy chip trị giá 12 tỉ USD ở Arizona (Mỹ). 4 ngày sau ByteDance, một đại gia truyền thông xã hội Trung Quốc, nói rằng họ đã bổ nhiệm ông Kevin Mayer, một giám đốc điều hành của Disney, để điều hành TikTok, ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc. Có một người Mỹ phụ trách có thể giảm bớt lo lắng của Washington về một ứng dụng Trung Quốc được cài đặt trên hàng triệu smartphone của Mỹ.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung chắc chắn khiến ngành công nghiệp sản xuất chip khó khăn. Tuy nhiên, người Mỹ hiểu rằng làm chậm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc là ván bài đáng để mạo hiểm lâu dài.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày