Thế giới

Lý do khiến kinh tế Nhật Bản mãi ì ạch

Thứ Hai | 03/10/2016 10:35

IMF cho rằng hai mảng đối lập giàu - nghèo sâu sắc là một trong những nguyên nhân khiến cường quốc kinh tế Đông Á hầu như không tăng trưởng.

Theo Bloomberg, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay trong xã hội Nhật Bản, những người giàu, có quyền đối lập mạnh so với những người yếu đuối, chỉ nhận lương thấp. Đó là mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động Nhật. Theo trưởng phái đoàn IMF đến Nhật Bản Luc Everaert, nếu Nhật không giải quyết được vấn đề trong thị trường lao động thì cả nước sẽ cùng thất bại.

“Chúng tôi lo ngại rằng sự suy giảm trong khả năng thương lượng lương bổng của người lao động đã đi quá xa. Chúng ta đã áp dụng quá nhiều sự linh hoạt phục vụ lợi ích của người sử dụng lao động trong thị trường lao động”, ông Everaert nói.

Nhận định của ông Everaert được đưa ra sau khi số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy tiền mặt và tiền gửi của các doanh nghiệp nước này tăng đến mức kỷ lục 242.000 tỉ yen Nhật, tương đương 2.400 tỉ USD, trong quý gần nhất. Điều này cho thấy các bên sử dụng lao động vẫn chần chừ trong việc lưu ý đến lời kêu gọi tăng lương và đầu tư vốn. Trì trệ trong lương bổng làm yếu chi tiêu tiêu dùng cùng các nỗ lực thúc đẩy lạm phát, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đây không phải là lần đầu tiên trưởng phái đoàn IMF đến Nhật Bản tham gia vào cuộc tranh luận tiền lương kể từ khi nhận chức hồi tháng 9.2015. Ông đã và đang chủ trương sử dụng cách thuyết phục bằng đạo đức, nêu tên những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhưng không tăng lương nhiều cho nhân viên. Ông còn đề nghị sử dụng ưu đãi thuế để thúc đẩy tăng lương.

Các liên đoàn lao động của những doanh nghiệp Nhật tập trung vào việc cố gắng duy trì việc làm cả đời cho những người làm công ăn lương toàn thời gian khi cố gắng thúc đẩy lương bổng. Ngược lại, họ rất ít hoặc không đại diện cho số lao động làm việc bán thời gian, theo dự án và làm tạm thời. Loại nhân viên thứ hai này được gọi là những lao động không thường xuyên, ngày càng tăng và chiếm khoảng 40% thị trường lao động.

Ông Everaert cho rằng Nhật Bản đã và đang đi từ tình hình cực đoan - một mô hình cứng nhắc cả đời làm hạn chế khả năng chuyển mình trước nhiều thay đổi kinh tế của doanh nghiệp - sang trạng thái khác cung cấp rất ít sự đảm bảo nghề nghiệp và lợi ích cho lao động không thường xuyên. Việc này cuối cùng sẽ gây hại cho nền kinh tế vì nó ảnh hưởng chi tiêu tiêu dùng.

“Mô hình phục vụ trọn đời đã giúp kinh tế Nhật Bản vận hành tốt từ góc độ lịch sử những năm 1960, 1970. Tôi nghĩ rằng hệ thống đó giờ không còn hữu dụng”, ông Everaert nhận định. Nếu không cải cách thị trường lao động, chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ và các gói kích thích tài chính từ chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ ít thay đổi được đường đi của kinh tế Nhật Bản.

Nguồn Thanh niên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày