Thế giới

Mỹ đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công, ngăn thảm họa vỡ nợ

Hải Miên Chủ Nhật | 28/05/2023 15:37

Ảnh: Getty Images.

Tổng thống Joe Biden và ông McCarthy đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc nâng trần nợ trong một cuộc điện đàm vào ngày 27/5.
Ảnh: Getty Images.

Ngày 27/5, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy xác nhận Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận sơbộ để nâng trần nợ trong hai năm và hạn chế chi tiêu, đưa quốc gia lùi một bước khỏi bờ vực của một vụ vỡ nợ lịch sử.

Trích dẫn một nguồn tin thân cận, CNN cho biết Tổng thống Joe Biden và ông McCarthy đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc nâng trần nợ trong một cuộc điện đàm vào ngày 27/5. Một kế hoạch tóm tắt đã được thông báo cho các thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện vào tối cùng ngày. Ngay trong đêm, 2 bên sẽ xem xét kỹ lưỡng các điều khoản nhằm sớm đưa thỏa thuận ra trước Quốc hội Mỹ. Thỏa thuận chính thức phải được thông qua trước ngày 5/6 (ngày X), thời điểm mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng Mỹ mất khả năng thanh toán vay nợ.

“Sau nhiều tuần đàm phán, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tôi tin rằng đây là điều mà người dân Mỹ xứng đáng nhận được,” ông McCarthy nói.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thông báo trước giới báo chí về cuộc đàm phán giới hạn nợ vào ngày 27/5/2023.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thông báo trước giới truyền thông về cuộc đàm phán trần nợ vào ngày 27/5/2023. Ảnh: Getty Images.

Nếu thỏa thuận cuối cùng được Quốc hội thông qua và được ông Biden ký thành luật trước ngày X, thì Nhà Trắng và các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Một vụ vỡ nợ của chính phủ Mỹ, điều chưa bao giờ xảy ra, có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và hàng triệu người mất việc làm.

Bất chấp thỏa thuận về nguyên tắc, vấn đề vẫn có thể nảy sinh trong từng bước hiện thực hóa thỏa thuận. Và mỗi bước này đều có thể cần thời gian để đạt được tiếng nói chung. Cũng vì vậy, các nhà đàm phán của Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ sẽ phải tiếp tục làm việc để thỏa thuận được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi Bộ Tài chính Mỹ hết tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của Chính phủ Mỹ.

 

Theo một nguồn tin thân cận, thỏa thuận về nguyên tắc sẽ nâng giới hạn nợ trong hai năm và giới hạn chi tiêu phi quốc phòng ở mức tài khóa hiện tại cho năm 2024 và tăng thêm 1% trong năm tài khóa 2025.

Là một phần của thỏa thuận, Nhà Trắng dường như cũng đã nhượng bộ các nhà đàm phán của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện về các yêu cầu đối với chương trình trợ cấp dinh dưỡng trong nước.

Theo nguồn tin, một trong những thỏa thuận đã đạt được vào ngày 27/5 bắt đầu với việc giới hạn thời gian của phiếu nhận thực phẩm của những người từ 54 tuổi trở xuống, sau đó kết thúc hẳn chương trình vào năm 2030, các cựu chiến binh và những người vô gia cư sẽ được miễn trừ khỏi giới hạn này. 

Bên cạnh đó, chương trình Medicaid hiện tại sẽ không có gì thay đổi và chương trình Hỗ trợ tạm thời cho các gia đình túng thiếu (TANF) tạm thời cũng vậy.

Một nguồn thạo tin nói rằng những vấn đề liên quan tới công việc mới và một số chương trình an sinh xã hội vẫn còn là những điểm vướng mắc cuối cùng. Đảng Cộng hòa rất căng thẳng với vấn đề này trong khi bên Dân chủ nói đó là những hành động gây tổn hại trực tiếp tới người nghèo.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đến tòa nhà Quốc hội Mỹ trong sáng 27/5 khi các nhà đàm phán đảng Cộng hòa đã phải làm việc xuyên đêm để thảo ra những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận. Ông McCarthy tin rằng khi đã tìm được tiếng nói chung, ông sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả các Hạ nghị sĩ Cộng hòa, vốn đang chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng nhìn chung lạc quan về tình hình đàm phán chiều 27/5. Một quan chức nói với CNN rằng đàm phán đang thuận lợi đông thời lặp lại tuyên bố của ông Biden một ngày trước đó về việc đôi bên đã gần như đạt được thỏa thuận.

Có thể bạn quan tâm: 

Thương mại Nga - Trung sẽ chạm mốc 200 tỉ USD trong năm nay

Nguồn CNN


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày