Thế giới

Trung Quốc hết tiền hay mô hình tăng trưởng hai con số đã hết thời?

Chủ Nhật | 07/07/2013 13:58

Cuộc khủng hoảng tiền mặt không phản ánh một ngân hàng trung ương thiếu tiền, mà là lời tạm biệt đối với mô hình tăng trưởng cao của Trung Quốc.

Tháng trước, một số ngân hàng Trung Quốc gặp khó khăn thực sự khi vay tiền từ các ngân hàng khác. Lãi suất cho vay qua đêm của một ngân hàng cho một ngân hàng khác lên đã lên đến 30% vào thời điểm ngày 20/6. Trong khi trước đó, lãi suất liên ngân hàng thường duy trì ở mức trung bình 2,5% trong năm 2013.

Cú sốc Shibor ngày 20/6.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt hay cú sốc Shibor (lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải, luôn đóng vai trò như một mức lãi suất chuẩn cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc), đã gây ra những lo ngại trước mắt cho về thiếu thanh khoản. Sự việc này cũng gợi mở những quan tâm rộng hơn về sự phát triển quá mức của nền tài chính ở Trung Quốc, khi mà tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn rất nhiều so với chính nền kinh tế. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt bất ngờ này?

Các ngân hàng giữ tiền mặt trong tài khoản dự trữ của mình, một mặt để đáp ứng quy định của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), mặt khác vừa để đảm bảo các nghĩa vụ đối với khách hàng, chủ nợ…. Nếu một ngân hàng thiếu tiền mặt, thường thì giải pháp sẽ là vay tiền từ các ngân hàng khác có nhiều tiền hơn. Mặc dù các ngân hàng có thể hết tiền, nhưng PBOC thì không.

Không phải Trung Quốc đã cạn tiền

PBOC có thể "in" tất cả số nhân dân tệ PBOC cần. Sau đó, số tiền sẽ được chuyển cho các ngân hàng bằng cách mua thứ gì đó, chẳng hạn như ngoại tệ, trái phiếu và các tài sản tài chính an toàn khác. Hoặc PBOC cũng có thể cho các ngân hàng khác vay.

Tuy nhiên, khi các ngân hàng Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt vào tháng 6 vừa rồi, PBOC lại gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người bằng cái lắc đầu từ chối giúp đỡ. Thay vì bơm nhiều tiền hơn cho hệ thống ngân hàng đang thiếu thanh khoản, ngân hàng trung ương lại khoanh tay nhìn cuộc khủng hoảng diễn ra ngày một trầm trọng hơn. Chính xác, vì sao PBOC lại hành xử như vậy?

Một ngân hàng trung ương có thể hạn chế in tiền vì lo ngại lạm phát. Nhưng hiện nay, tỉ lệ lạm phát ở Trung Quốc khá thấp. Thay vào đó, dường như PBOC đang có một lo lắng khác?

Nỗi lo sợ của Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng. Nguồn: The Economist.

Trong tuyên bố của mình, PBOC đã lập luận rằng, các ngân hàng đã được cung cấp đủ thanh khoản. Nếu một hoặc hai ngân hàng thiếu tiền mặt là bởi vì hành vi của họ không trong sạch. Có thể do cho vay quá nhiều, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Hoặc có lẽ các khoản vay ngắn hạn dùng để đầu tư cho rất nhiều hoạt động dài hạn khác.

Các ngân hàng có thể quên đi chuyện căng thẳng thanh khoản nếu biết chắc rằng, luôn có thể vay một cách dễ dàng với giá rẻ. Thực tế lại diễn ra không như mong đợi. Có lẽ PBOC muốn thị uy bằng cách “thắt chặt ví tiền”. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng lại đột nhiên trở nên nghiêm trọng. Khi lãi suất tăng vọt, PBOC đã phản ứng quá chậm chạp và cũng không kịp thời làm rõ ý định của mình.

Hậu quả là nhiều mối lo ngại và sự ngờ vực lan truyền nhanh chóng. Cuối cùng, PBOC cũng phải can thiệp, yêu cầu các ngân hàng lớn cho các ngân hàng nhỏ vay và cam kết sẽ bình ổn thị trường. Nhưng các ngân hàng vẫn không tránh khỏi sự lung lay và do dự.

Hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Trung Quốc

Trước hết, những thiệt hại trực tiếp sẽ được hạn chế, bởi cú sốc xảy ra tuy mạnh nhưng ngắn. Hiện tại, lãi suất đã giảm mạnh (mặc vẫn còn cao hơn so với thời điểm trước khủng hoảng). Bên cạnh đó, sau khi giảm sâu vào ngày 24-25/6, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục hơn 7% từ mức thấp nhất.

Tuy nhiên, hậu quả gián tiếp có thể rất sâu sắc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng về tăng trưởng tín dụng quá nóng.

Tín dụng quá mức chỉ đóng góp một phần nhỏ cho nền kinh tế. Thay vì tăng chi tiêu, tăng đầu tư kinh doanh, tín dụng xuất hiện chủ yếu nhằm tài trợ cho việc mua tài sản đang tồn tại, phổ biến nhất là hình thức đầu tư vào các “sản phẩm quản lý tài sản” (WMP). Cách sử dụng nguồn tín dụng như vậy không đóng góp gì cho tăng trưởng.

Nhưng khi chính phủ đang dồn sức để kiềm chế sự cho vay lãng phí, đồng nghĩa với việc những nguồn lực phục vụ cho tăng trưởng bị thu hẹp đi đáng kể. Giám đốc hãng tư vấn GK Dragonomics tại Bắc Kinh đã dự đoán về kịch bản tốt nhất có thể xảy ra, Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ít hơn 6% trong năm 2014. Còn Barclays Capital cho rằng, tăng trưởng quý (trong ngắn hạn) có thể giảm xuống còn 3% trong vài năm tới.

Không có bộ trang phục nào có thể giúp Trung Quốc che giấu đi đà xuống dốc của mình. Cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt không nói lên một Trung Quốc đã cạn tiền, mà là lời tạm biệt đối với một mô hình tăng trưởng “hai con số” đã hết thời.

Nguồn Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày