Vén màn cơn sốt vàng mới
Sự ưa chuộng vàng của người Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên. Ảnh: Reuters.
Các Ngân hàng Trung ương cũng đang vào cuộc vì sự phân mảnh tài chính đã thúc đẩy nhu cầu với vàng. Thế giới bước vào thời kỳ "hoàng kim" mới.Cách Sân bay Changi sang trọng của Singapore chưa đầy 1 dặm là một khu phức hợp ít thu hút hơn, bao gồm các công ty vận tải hàng hóa và logistics, cũng như các văn phòng phụ trợ của một số ngân hàng. Tuy nhiên, có một tòa nhà hơi khác một chút. Đằng sau mặt tiền bằng đá mã não bóng loáng, nhiều lớp an ninh và những cánh cửa thép đồ sộ, là hơn 1 tỉ USD vàng, bạc và các tài sản khác. Kho chứa này được xây dựng bởi Reserve SG, công ty có hàng chục kho riêng, hàng nghìn hộp ký gửi an toàn và một phòng lưu trữ rộng lớn, nơi các kim loại quý được đặt trên các kệ cao ba tầng so với mặt đất.
Sau bốn năm cải tạo, khu phức hợp này gần như đã hoàn thiện. Lễ khai trương hoành tráng sẽ diễn ra trong bối cảnh vàng đang trong thời kỳ phục hưng phi thường. Trong năm qua, các nhà đầu tư đã đổ xô vào kim loại này, đẩy giá vàng tăng 38% lên hơn 2.700 USD một ounce, mức cao kỷ lục.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường không đặt nặng kim loại quý này, vì vàng không tạo ra thu nhập. Tỉ phú Warren Buffett từng nói những ai đầu tư vào vàng là vì họ sợ hãi các loại tài sản khác và nỗi sợ ấy sẽ leo thang. Trong số các tổ chức đầu tư của Mỹ quản lý hơn 100 triệu USD tài sản, chỉ có 1/4 sở hữu cổ phần trong các quỹ giao dịch trao đổi vàng (ETF), theo ông Dirk Baur và ông Lai Hoang của Đại học Tây Úc. Và chỉ có 1,5% tài sản của các công ty như vậy là vàng. Điều này giải thích tại sao lượng tài sản nắm giữ trong các ETF vàng không tăng, ngay cả khi giá kim loại này đã tăng.
Các công ty quản lý tài sản gia đình đang phát triển nhanh chóng và nhiều nhà đầu tư muốn bảo vệ tài sản của mình khỏi những hậu quả thảm khốc, đặc biệt khi giá trị và sức mua của một số loại tiền tệ dễ biến động. Theo đó, nguồn cung tương đối cố định của vàng và mức độ phổ biến thúc đẩy nhà đầu tư tin rằng vàng có thể bảo vệ họ trước giá cả tăng vọt và các chính sách khó phán đoán. Theo công ty cung cấp dữ liệu Campden Wealth, hơn 2/3 các công ty quản lý tài sản gia đình đầu tư vào vàng. Rất nhiều nhu cầu đến từ châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ 1/5 sản lượng kinh tế của thế giới, nhưng lại chiếm một nửa lượng mua vàng. Đức và Thụy Sĩ là những quốc gia châu Âu duy nhất nhiệt tình với vàng như vậy.
Hơn nữa, sự ưa chuộng vàng của người Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên. Ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản đã thúc đẩy những người có vốn tìm kiếm bến đỗ. Việc mua vàng thỏi và tiền xu vàng đã tăng 44% trong năm tính đến tháng 6 so với 12 tháng trước đó. Khi Ấn Độ trở nên giàu có hơn, nhiều người có thể mua vàng hơn. Hệ quả là hoạt động cho vay được bảo đảm bằng vàng đã tăng vọt. Muthoot Finance, một trong những công ty cho vay như vậy, đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần gấp 3 lần trong 5 năm qua.
Nhưng một nhóm nhà đầu tư khác đã thúc đẩy đợt tăng giá gần đây: các nhà quản lý kho dự trữ tại các Ngân hàng Trung ương. Tỉ lệ vàng trong dự trữ của các Ngân hàng Trung ương đã giảm trong nhiều thập kỷ, từ gần 40% vào năm 1970 xuống chỉ còn 6% vào năm 2008. Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ này đã tăng đều đặn, lên tới 11% vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Cuộc chiến Nga-Ukraine và việc đóng băng dự trữ ngoại tệ sau đó là một thời điểm then chốt. Điều này chứng minh rằng nếu một quốc gia bị trừng phạt, Kho bạc Mỹ và các tài sản an toàn khác được định giá bằng tiền tệ phương Tây sẽ vô dụng. Kể từ đầu năm 2022, các cơ quan tiền tệ ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua lần lượt 316, 198 và 95 tấn vàng, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Nhưng không phải tất cả các ngân hàng trung ương mua vàng đều có mối quan hệ khó khăn với phương Tây. Cơ quan Tiền tệ Singapore đã tích lũy 75 tấn kể từ đầu năm 2022. Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã tăng lượng nắm giữ của mình thêm 167 tấn trong cùng kỳ như một phần của chiến lược giữ 20% dự trữ bằng vàng. Vào tháng 9, Lào đã có một màn "chào sân" hào nhoáng cho kỷ nguyên vàng mới: khánh thành một ngân hàng vàng thỏi.
Vàng thường hoạt động kém khi lãi suất của trái phiếu chính phủ cao và ngược lại. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, mối tương quan từng đáng tin cậy này đã sụp đổ. Giá vàng đã tăng ngay cả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ -1% lên khoảng 1,8%. Khi lợi suất thực tế lần cuối cao như vậy, vàng có giá trị khoảng 1.000 USD một ounce, thấp hơn gần 2/3 so với giá hiện tại.
Trong kịch bản khủng hoảng, ông Nicholas Mulder của Đại học Cornell lưu ý rằng vàng có thể được bán với số lượng nhỏ ở vùng Vịnh, trung lập về chính trị, để đổi lấy nhiều loại tiền tệ khác nhau.
Thông thường, việc cắt giảm lãi suất 0,25% sẽ làm tăng lượng nắm giữ ETF vàng thêm 60 tấn - hiện có giá trị 5 tỉ USD - trong sáu tháng tiếp theo. Việc ông cho Buffett rằng vàng đi đôi với nỗi sợ và niềm tin rằng nỗi sợ này sẽ lan rộng là đúng. Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư đang sợ hãi.
Có thể bạn quan tâm:
Trung tâm dữ liệu "hút hồn" nhà đầu tư
Nguồn The Economist
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư