Công Nghệ

Giải mã gen trong cuộc chiến chống virus

Giang Phạm Thứ Sáu | 26/02/2021 09:09

Công nghệ Công ty Giải mã gen Genetica.

Đánh giá nguy cơ nhiễm COVID-19 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam.
Công nghệ Công ty Giải mã gen Genetica.

Trong khi thế giới đang chạy đua phát triển và tiêm chủng vaccine COVID-19, một công ty công nghệ trong lĩnh vực xét nghiệm gen ở châu Á đã cho ra mắt dịch vụ giải mã gen tìm hiểu nguy cơ di truyền nhiễm virus để tìm một hướng đi lâu dài hơn trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Giám đốc Công nghệ Công ty Giải mã gen Genetica, cho biết xét nghiệm di truyền sẽ cho phép can thiệp hoạt động điều trị, lối sống, hành vi để ngăn ngừa bệnh phát triển.

Sản phẩm G-CoVi với các thông tin cụ thể về nguy cơ nhiễm virus của mỗi con người thông qua thông số gen của họ của Genetica được đón nhận tại thị trường Việt Nam như thế nào trong thời gian qua, thưa Tiến sĩ?

Ngay từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã thảo luận việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) và máy học (Machine Learning) để tìm giải pháp chống virus Corona. Đây cũng là xu hướng các nhà khoa học trên thế giới đang chung tay dưới sự kêu gọi của chính phủ các nước trên thế giới, đứng đầu là Mỹ và Phần Lan. Từ đây, sản phẩm G-CoVi (Gene Coughing Virus) của Genetica ra đời nhằm cung cấp thông tin nguy cơ nhiễm virus qua thông số gene mỗi người.

Việc nhận biết các yếu tố di truyền có thể giúp bác sĩ nhanh chóng xác định nhóm đối tượng cần ưu tiên tiêm chủng, đồng thời giúp những người sở hữu gen có khả năng nhiễm virus cao chủ động phòng ngừa hiệu quả và tạo tiền đề nghiên cứu các virus sốt xuất huyết, cúm A... Đây chính là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình Việt Nam.
Chính vì thế, từ đầu năm 2020, 1/4 khách hàng hiện tại đã có kết quả của Genetica có nhu cầu giải mã thêm (unlock) gói dịch vụ G-CoVi hay hiện tại là G-Immunity, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ để hiểu hơn về nguy cơ nhiễm virus, phần lớn là với các loại virus liên quan đến đường hô hấp, từ đó có phương pháp phòng ngừa chính xác cho bản thân và gia đình.

Ngay cả khi có vaccine, việc chỉ ra gen có dễ bị nhiễm virus và nếu đã bị nhiễm virus rồi thì sẽ có biến chứng như thế nào... cũng rất quan trọng. Mặt khác, nhận biết được các yếu tố di truyền có thể giúp bác sĩ nhanh chóng xác định được những người cần tiêm chủng nhất. Điều này có ý nghĩa thế nào trong việc Việt Nam còn khan hiếm vaccine COVID-19?
Tính đến tháng 1.2021, 15 triệu người tại Anh đã được tiêm vaccine Corona mũi đầu tiên. Ở Mỹ đã xây dựng được những mô hình phần mềm máy học (Machine Learning) và khai thác dữ liệu không những phục vụ việc truy vết, sản xuất, phân phối vaccine hay các loại thuốc đặc trị hiệu quả, mà còn dự đoán được tiên lượng, biến chứng của các ca nhiễm. Tuy vậy, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như làm sao chúng ta biết được hiệu quả của vaccine? Đối tượng nào sẽ được tiêm vaccine đầu tiên? Làm sao để biết ai dễ bị nhiễm virus hơn người khác để có các biện pháp can thiệp, cách ly kịp thời?...

Câu hỏi cũng rất quan trọng đó là trong khi có những người 3-4 ngày tự khỏi và hầu như không có biểu hiện gì hoặc rất nhẹ; thì nhiều người lại phải trải qua những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đấu tranh đến từng hơi thở trong phòng hồi sức cấp cứu, hay thậm chí là tử vong vì COVID-19.

Mặc dù đây là vấn đề toàn cầu nhưng các bác sĩ vẫn chưa có được một bức tranh rõ ràng cho sự khác biệt này. Liệu sự khác biệt trong kiểu gen có thể giải thích được sự khác nhau cả về triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh không? Hiện nay, cùng với sự thông qua vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech ở Mỹ, họ đã xây dựng được những mô hình máy học để xác định thứ tự được tiêm vaccine. Ngoài các yếu tố độ tuổi, bệnh lý nền, tính chất công việc... thì thông tin gen cũng được đưa vào để đánh giá.

Nếu Bộ Y tế muốn áp dụng những quy chuẩn đó, Genetica có đầy đủ nguồn nhân lực và trang thiết bị cần thiết để xây dựng mô hình tương tự như Mỹ chỉ trong vòng 4-6 tháng. Ngoài ra, thông tin gen cũng giúp xây dựng mô hình giãn cách xã hội hiệu quả hơn. Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) là một ví dụ. Xét nghiệm gen của Genetica trên hàng ngàn người Việt cho thấy khoảng 15,27% tăng nguy cơ di truyền mắc hội chứng ARDS này. Những người mang nguy cơ ARDS thấp thì không nên đến bệnh viện, hoàn toàn có thể tự cách ly và điều trị tại nhà. Trong khi đó, những người mang nguy cơ ARDS cao thì không những cần ưu tiên tiêm vaccine trước, mà còn cần theo dõi cách ly và giãn cách chặt chẽ.

Các nghiên cứu và thông tin trong báo cáo giải mã gen của Genetica liệu còn có hiệu quả khi đại dịch qua đi không? Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh dễ truyền nhiễm tại Việt Nam cũng như trên thế giới?
Hiện nay, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người sống sót sau COVID-19 có thể gặp một số loại tổn thương, ngay cả khi họ không bị mắc các bệnh tiềm ẩn trước. Vì vậy, thông tin gen còn cung cấp thêm thông tin cho các bác sĩ trong quá trình điều trị, đưa ra phác đồ và các loại thuốc đặc trị phù hợp nhất cho cả những người sống sót/khỏi bệnh.

Đây là một nhánh của y học chính xác (Precision Medicine). Tại nước Mỹ, cựu Tổng thống Barack Obama đã khởi động ra một sáng kiến về y học chính xác (Precision Medicine Initiative - PMI) vào tháng 1.2015 với khoản tài trợ lên tới 215 triệu USD, mục tiêu tập chung chủ yếu vào các bệnh không truyền nhiễm bao gồm các bệnh ung thư và thiết lập một dự án nghiên cứu cộng đồng.

Tương tự như dự án 100.000 hệ gen của nước Anh, sáng kiến này sẽ giải trình tự toàn bộ hệ gen của những bệnh nhân mang bệnh cụ thể. Vì vậy, cho dù Việt Nam có sẵn sàng hay không thì sự phát triển của y học chính xác vẫn đang được áp dụng rộng rãi và đại dịch COVID-19 là một bước ngoặt. Việc xét nghiệm di truyền cũng sẽ cho phép can thiệp hoạt động điều trị, lối sống, hành vi để ngăn ngừa bệnh phát triển.

Tại Genetica, G-Covi đánh giá nguy cơ nhiễm các loại virus qua đường hô hấp chỉ là bước khởi đầu. Ngoài những virus độc lực cao như SARS-CoV, giải mã gen của Genetica còn đánh giá phân tích rất nhiều yếu tố khác như sốt rét, cúm mùa... về cơ bản là các yếu tố ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Chính vì vậy, tên gọi của sản phẩm G-CoVi được đổi thành G-Immunity (có ý nghĩa là toàn bộ hệ miễn dịch).

Các nghiên cứu của Genetica cho thấy khả năng lây nhiễm/đề kháng của người Việt Nam trước virus COVID-19 như thế nào?
Hiện nay, Genetica đang triển khai dự án kết hợp với bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhằm đánh giá nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam. Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt sẽ công bố rộng rãi góp phần vào ngân hàng dữ liệu gen lớn của thế giới.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày