Kinh Doanh

Cuộc sàng lọc lớn của thị trường mía đường

Thiện Vũ Thứ Năm | 17/02/2022 13:30

Áp lực thương mại từ việc lẩn tránh thuế của các nước ASEAN đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp mía đường có khả năng tự chủ vùng nguyên liệu.

Tưởng chừng với tổng mức thuế lên đến hơn 47% sẽ nhanh chóng giúp ngành mía đường Việt Nam hồi sinh, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Thuế phòng vệ chưa là phao cứu sinh
Cụ thể, để bảo vệ thị phần và đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% trong vòng 5 năm đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy vậy, theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong niên vụ 2020/2021, có đến 17 trong tổng số 41 nhà máy sản xuất đường Việt Nam đã phải phá sản hoặc ngừng hoạt động, do không có khả năng cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan, cả diện tích trồng và sản lượng mía đều sụt giảm 2 con số so với niên vụ trước.

Trái ngược với sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh khi thuế phòng vệ được ban hành là hiện tượng tăng đột biến sản lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN, gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, riêng lượng đường nhập khẩu từ Indonesia tăng đến hơn 33 lần.Đáng nói, các quốc gia này vốn không đủ năng lực xuất khẩu mức sản lượng đột biến như vậy.

VSSA nhận định, đây là động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 5 nước trên đều nhập khẩu lượng đường rất lớn từ quốc gia này. Trong khi đó, đường nhập lậu qua biên giới với khối lượng lớn vẫn vào Việt Nam bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp và kiểm soát chặt chẽ biên giới.

Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn, cho biết, cuộc cạnh tranh không cân sức với mía đường nhập khẩu bán phá giá và mía đường nhập lậu, gian lận thương mại là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà máy không trụ lại được.

 

Cơ hội cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) phân tích: “Việc sụt giảm nguồn cung trong nước khi diện tích và sản lượng mía giảm nhiều trong những năm qua sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành”. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định, việc 17/41 nhà máy sản xuất đường phải đóng cửa do không có khả năng cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan, khiến nguồn cung mía đường tại Việt Nam sụt giảm là cơ hội tốt cho những doanh nghiệp đầu ngành, có vùng nguyên liệu lớn.

Một ví dụ là Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), với vùng nguyên liệu rộng lớn hơn 60.000 ha, chiếm 25% tổng vùng nguyên liệu của cả nước. Đây là doanh nghiệp sở hữu nhiều và đa dạng nhất các dòng sản phẩm đường tại Việt Nam với hơn 73 dòng sản phẩm. Niên độ 2020/2021, Công ty ghi nhận doanh thu và mức tiêu thụ đường tăng trưởng 2 con số; lợi nhuận sau thuế đạt 650 tỉ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ.

 

Tuy xếp thứ 2 về vùng nguyên liệu và chỉ bằng một nửa so với Thành Thành Công - Biên Hòa, Công ty Đường Quảng Ngãi lại gây ấn tượng mạnh với chuỗi giá trị khép kín, sở hữu 2 thương hiệu sữa đậu nành lớn là Fami và Vinasoy, thống trị 90% thị phần sữa đậu nành. Kết thúc năm 2021, Công ty ước đạt hơn 1.200 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 17% so với cùng kỳ. Nhiều khả năng đây tiếp tục là năm Đường Quảng Ngãi ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.

 

Ở góc nhìn vĩ mô, ngành mía đường Việt Nam được dự báo sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của giá đường thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng mía đường ở Brazil, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục sụt giảm 10% so với niên vụ trước do thời tiết khô hạn, lượng mưa dưới mức trung bình và tình trạng sương giá.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) do đó dự báo sản lượng đường trên toàn thế giới sẽ thâm hụt khoảng 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021/2022. Mức chênh lệch cung cầu này khả năng cao sẽ khiến giá đường thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, VSSA cũng cho biết, cơ bản đã hoàn thành hồ sơ gửi lên Cục Phòng vệ Thương mại, kiến nghị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá từ 5 nước ASEAN, kết quả sơ bộ dự tính sẽ công bố vào đầu năm 2022. 

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, nếu Việt Nam chứng minh được đường của Thái Lan lẩn tránh qua các nước khác thì sản phẩm mía đường đến từ các nước đó sẽ chịu mức thuế tương đương mức đã áp dụng với đường Thái Lan. Đây có thể là liều thuốc thực sự cho ngành mía đường Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày