Kinh Doanh

GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng vì thương chiến

Hà Linh Thứ Năm | 06/06/2019 16:13

Ảnh: Time.

Theo tính toán, GDP Việt Nam có thể sẽ giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại.
Ảnh: Time.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là mối quan tâm của cả thế giới. "Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới; đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%", ông cho biết.

Phó thủ tướng cho rằng trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng. Tuy nhiên, về dài hạn kinh tế Việt Nam có thể giảm tốc do tác động từ cuộc chiến này. Theo tính toán, GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại", Phó thủ tướng nói.

Tình hình hiện nay đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm xu hướng này có tăng lên. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới và vốn góp mua cổ phần tại Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong 4 năm gần đây. Trong đó, vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kong chiếm 7,1 tỷ USD, chiếm 42,4% vốn FDI cả nước. 

Trước đó, ông Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện chuyển dịch nguồn vốn “đầu tư” sang Việt Nam. Do đó, cho rằng chính sách thu hút đầu tư cần có sự chọn lọc, ưu tiên, đảm bảo công nghệ đầu tư, môi trường.

“Tôi nghĩ rằng, có 2 giải pháp chúng ta phải ưu tiên. Thứ nhất là chọn lọc về mặt công nghệ, phải có hàng rào kỹ thuật để làm việc này. Thứ hai, kết nối được doanh nghiệp FDI với ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài nào thỏa mãn được 2 tiêu chí này sẽ được ưu tiên. Có như vậy, chúng ta mới mang được về những lợi thế”, ông Ngân đề xuất.

Ông Ngân cũng cho rằng, cần phải hết sức thận trọng đối với đầu tư nước ngoài. Vốn FDI có thể “ra đi” ngay khi doanh nghiệp thấy bất lợi. Trung Quốc là một ví dụ. Cho nên, nếu không kết nối được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, không tính toán được việc chuyển giao công nghệ, chúng ta sẽ gặp những khủng hoảng trong tương lai.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày